Chăn nuôi phải đảm bảo môi trường

3 tháng trước 55
Chú thích ảnhĐồng chí Cao Văn Quang, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai và Bí thư Huyện ủy Tân Phú Trần Quang Tú cùng đoàn công tác kiểm tra tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Tân Phú.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Tân Phú đã chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ, lẻ quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại. Trong đó, chủ yếu tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm; quy trình chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu đầu tư hạ tầng, con giống, thức ăn, thú y, phòng dịch và bao tiêu sản phẩm.

Chú trọng bảo vệ môi trường

Huyện Tân Phú hiện có 48 cơ sở chăn nuôi tập trung đang hoạt động và gần 7.400 cơ sở chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ. Số lượng gia súc, gia cầm hiện đang nuôi trên địa hàn huyện rất lớn. Trong đó có gần 67.000 con lợn, hơn 1,2 triệu con gà, gần 389.000 con vịt, 6.300 con bò và hơn 34.000 con dê.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Phạm Ngọc Hưng cho biết, trên địa bàn huyện có 22 cơ sở chăn nuôi có quy mô cấp tỉnh, đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (16 cơ sở hoạt động, 6 cơ sở ngưng hoạt động, chưa triển khai xây dựng); 36 cơ sở chăn nuôi có quy mô cấp huyện (32 cơ sở hoạt động, 4 cơ sở ngưng hoạt động). 

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có gần 7,4 ngàn cơ sở chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ thuộc quy mô cấp xã quản lý. Hầu hết các hộ chăn nuôi bò, heo, gà, dê, vịt với quy nhỏ lẻ, phục vụ phát triển kinh tế gia đình không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường. Do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ nên chuồng trại chăn nuôi đơn giản, được xây dựng sau nhà hoặc bên cạnh nhà ở; một số trường hợp xây dựng chuồng sau vườn. Quá trình chăn nuôi nước thải phát sinh ít, được thu gom về hố chứa dùng để tưới cho cây trồng trong vườn. 

Theo ông Nguyễn Quốc Đồng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Phú, các cơ sở chăn nuôi quy mô cấp tỉnh đang hoạt động đã được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Đối với trại chăn nuôi heo, vịt thì sử dụng công nghệ xử lý bằng hầm biogas, công nghệ xử lý sinh học kết hợp với công nghệ vật lý - hóa học và hồ chứa sinh học; đối với trại chăn nuôi gà thì nước thải được xử lý bằng biện pháp sinh học và hồ chứa sinh học. Chất thải rắn phát sinh trong chăn nuôi chủ yếu là phân của các vật nuôi, được các cơ sở chăn nuôi chuyển giao cho các cơ sở sản xuất phân bón. Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô cấp huyện thì UBND huyện đã xác nhận cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường cho 19 cơ sở chăn nuôi, 17 cơ sở còn lại chưa được cấp thủ tục môi trường, trong đó có 4 cơ sở ngưng hoạt động. Các trang trại đều có công trình/biện pháp xử lý nước thải chăn nuôi theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với những hộ phát sinh nước thải lớn hơn 5 m3/ngày.đêm có hệ thống xử lý nước thải. Đối với những hộ phát sinh nước thải từ 2 - 5 m3/ngày.đêm có hệ thống biogas. Không có cơ sở nào xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường. 

Chú thích ảnhKhông có cơ sở nào xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường.

Chú thích ảnh

Không để chăn nuôi phát sinh ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, huyện Tân Phú thường xuyên tổ chức kiểm tra và yêu cầu các cơ sở chăn nuôi thực hiện cấp phép môi trường theo quy định, đồng thời đã xử phạt hành vi không có thủ tục môi trường đối với 6 cơ sở, với tổng số tiền trên 532 triệu đồng.

Theo Bí thư Huyện ủy Tân Phú Trần Quang Tú, việc triển khai thực hiện kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã được Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện quyết liệt triển khai thực hiện. Việc tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về môi trường qua đường dây nóng, trang thông tin điện tử và báo chí được quan tâm chỉ đạo, qua đó các vi phạm về môi trường trên địa bàn huyện được kiểm tra, xử lý kịp thời. Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực; huy động được sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền, cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên và người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Các vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đều được người dân thông tin, phản ánh kịp thời đã góp phần ngăn ngừa phát sinh các điểm nóng về môi trường.  

Đối với những trường hợp chưa di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, ngừng chăn nuôi trước ngày 01/01/2025 theo Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 24/2/2023 của UBND tỉnh Đồng Nai, Huyện ủy Tân Phú sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để thực hiện đảm bảo theo lộ trình. 

Chú thích ảnhĐồng chí Cao Văn Quang, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai làm việc với Huyện ủy Tân Phú.

Làm việc với huyện Tân Phú về công tác quản lý hoạt động chăn nuôi, đồng chí Cao Văn Quang, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đánh giá cao về việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về môi trường trong chăn nuôi của huyện Tân Phú. Đông chí đề nghị huyện tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường; tăng cường chỉ đạo và giao trách nhiệm cho UBND các xã, thị trấn nơi có hoạt động chăn nuôi tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với tất cả các cơ sở chăn nuôi nông hộ quy mô hộ gia đình trên địa bàn xã, thị trấn không để trường hợp chăn nuôi phát sinh ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Để đảm bảo tiến độ theo Quyết định số 296 của UBND tỉnh, đề nghị Huyện ủy Tân Phú chỉ đạo UBND huyện và các phòng chuyên môn tiếp tục tổ chức làm việc với các hộ chăn nuôi thuộc diện ngưng chăn nuôi, di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn huyện, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có biện pháp xử lý; đối với các cơ sở còn hoạt động chăn nuôi, chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan rà soát vị trí thực hiện chăn nuôi so với định hướng phát triển kinh tế của địa phương và Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trường hợp cơ sở không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương và trong khu vực không được phép chăn nuôi, đề nghị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để rà soát, bổ sung các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải thực hiện di dời theo quy định.

Nguồn bài viết