Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, qua rà soát, cập nhật hồ sơ đợt 1 cho thấy, các cơ sở nhà, đất do doanh nghiệp đang sử dụng để sản xuất phải di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng là 90 cơ sở. Trong đó có 81 cơ sở công nghiệp phải di dời theo thẩm quyền phê duyệt danh mục của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành Hà Nội; UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng phê duyệt duyệt danh mục, lộ trình di dời đến năm 2030. Chín cơ sở nhà, đất thuộc doanh nghiệp Nhà nước đã được HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 thông qua danh mục không phù hợp quy hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Đây là các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Đối với 5 huyện có đề án thành lập quận, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp danh mục 114 cơ sở nhà, đất có cơ sở công nghiệp đề xuất đưa vào danh mục di dời; đồng thời, tiếp tục cập nhật báo cáo sau khi có quyết định thành lập quận theo Quyết định số 130 của Thủ tướng Chính phủ.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đảm bảo chặt chẽ, tránh khiếu nại của các doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, thành phố cho phép Sở chủ trì cùng các sở, ngành, UBND 12 quận và 5 huyện có đề án thành lập quận lập danh mục các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp phải di dời do không phù hợp quy hoạch theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ (chưa xét đến tiêu chí gây ô nhiễm môi trường do thẩm quyền phê duyệt danh mục là Thủ tướng Chính phủ).
Đặc biệt, qua kiến nghị từ thực tế khảo sát mới đây của Ban Đô thị - HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định ban hành Danh mục 9 cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn (đợt 1) do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch phải di dời thuộc thẩm quyền quy định Điểm b, Khoản 1, Điều 21, Mục 2, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, kế hoạch di dời trong thời hạn 5 năm kể từ khi UBND thành phố phê duyệt danh mục này. Đối với nhà, đất thuộc danh mục phải di dời nhưng thuộc đối tượng thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai không thực hiện theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát danh mục nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại Khoản 2, Điều 1, Nghị định 67/2021/NĐ-CP đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch; đề xuất UBND thành phố xin ý kiến HĐND thành phố xem xét có ý kiến để bổ sung danh mục đảm bảo tiến độ kế hoạch di dời đã được phê duyệt.
Sở Tài chính chủ trì, thực hiện đề xuất việc lập phương án xử lý, hình thức xử lý nhà, đất tại vị trí cũ khi di dời theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (được sửa đổi tại Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ) và tiếp tục chủ trì cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất trên căn cứ báo cáo kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
Đối với nhà, đất phải di dời do ô nhiễm môi trường (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh nơi có cơ sở nhà, đất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành), UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các cơ quan thuộc Bộ rà soát lập danh mục theo quy định.
Chín cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn Hà Nội (đợt 1) gồm: Công ty In báo Nhân dân (15 Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm), diện tích 1.554 m2; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên In báo Hà Nội Mới (35 Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm) diện tích 1.844,9 m2; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (183 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) diện tích 52.230 m2; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thuốc lá Thăng Long (235 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) diện tích 64.226 m2; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam (số 70/342 Khương Đình, quận Thanh Xuân), diện tích 5.000 m2; Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội (551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên) diện tích 203.873 m2; Tổng kho xăng dầu Đức Giang (26 phố Đức Giang) diện tích 159.351 m2; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà Xuất bản nông nghiệp (167/6 phố Phương Mai, quận Đống Đa) diện tích 821 m2; Viện hóa học công nghiệp Việt Nam (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) diện tích 30.000 m2.
Việc chậm di dời cơ sở công nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính ra khỏi nội đô đang gây ra nhiều áp lực về môi trường, hạ tầng đô thị cho khu vực trung tâm Hà Nội. Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn cố duy trì hoạt động sản xuất và một số cơ sở đã dừng sản xuất, nhưng vẫn chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí, bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung Thủ đô.
"Với nhiệm vụ cấp thiết này, Hà Nội cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất, nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đơn vị nào cố tình chây ỳ, không thực hiện di dời khi đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất", một chuyên gia nêu ý kiến.