'Chìa khóa' mở không gian văn hóa cảnh quan hấp dẫn giữa sông Hồng

11 tháng trước 79
Chú thích ảnhKhu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 ha, nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm) và một phần (khoảng 1 ha) thuộc địa phận quận Long Biên. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Chủ trương biến bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa cảnh quan đã được đặt ra những năm gần đây và đang được các cơ quan chức năng triển khai lập đề án. Rất nhiều ý tưởng được đưa ra để hiện thực hóa chủ trương này và đó được coi là "chìa khóa" mở cửa một không gian văn hóa cảnh quan hấp dẫn giữa dòng sông Hồng.

Điểm nhấn không gian

Theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực bãi nổi và ven sông Hồng được định hướng xây dựng hệ thống công viên cây xanh cảnh quan, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, quảng trường đô thị và các công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô nhằm phát huy giá trị cảnh quan và đảm bảo không gian thoát lũ. Công viên bãi giữa sông Hồng được quy hoạch sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong trục không gian xanh chủ đạo của Hà Nội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mô hình công viên văn hóa sẽ phù hợp khi triển khai quy hoạch bãi giữa sông Hồng và nhất là đặt trong không gian chung của sông Hồng giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Công viên lấy di sản đô thị cầu Long Biên làm trọng tâm, cảnh quan sông Hồng làm nền, hình thành các tuyến không gian văn hóa kết nối với di sản hai bên bờ và toàn tuyến hành lang xanh sông Hồng. Các chức năng có thể triển khai như quảng trường tổ chức lễ hội văn hóa Việt Nam, không gian bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị cầu Long Biên, không gian trình diễn nghệ thuật sáng tạo, không gian vui chơi giải trí.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tuyên và Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Thu Hương, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, công viên bãi giữa sông Hồng có thể được tổ chức theo mô hình công viên chuyên đề du lịch sinh thái. Thành phố cần phát huy tiềm năng chủ đạo về cảnh quan và môi trường sinh thái đặc hữu để hình thành công viên sinh thái gắn với việc phát triển hệ thống rừng cây bán ngập, vườn ươm sinh thái, bãi cát, mặt nước... Công viên sinh thái kết hợp với di sản cầu Long Biên trở thành cảnh quan sinh thái văn hóa ngoạn mục của Thủ đô, các hoạt động du lịch có thể khai thác như dã ngoại, khám phá, trải nghiệm sinh thái, cắm trại, bơi thuyền.

Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng được hình thành sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch khu vực này phát triển. Bởi vậy, thành phố cần xây dựng quy hoạch, đầu tư và quản lý hoạt động tham quan du lịch một cách bài bản. Trong đó, có các điểm tham quan, dạo bộ, vui chơi, tập thể thao, giải trí, trải nghiệm nông nghiệp, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, sáng tạo nghệ thuật... Khu vực này cần hình thành các phân khu chức năng cung cấp dịch vụ, tuyến tham quan rõ ràng gắn với các sản phẩm văn hóa Thủ đô và văn minh sông Hồng.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định, dựa trên tài nguyên và định hướng phát triển công viên xanh trên khu vực bãi giữa, tập trung phát triển các loại hình du lịch thân thiện môi trường như du lịch sinh thái, trải nghiệm cảnh quan tự nhiên, khu vực trồng hoa, hoạt động canh tác trồng và thu hoạch sản phẩm nông nghiệp... Đặc biệt, cần kết nối tuyến du lịch tham quan 36 phố phường và đôi bờ sông Hồng, tạo ra những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn.

Đầu tư hạ tầng hài hòa

Chú thích ảnhViệc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Với đặc thù nằm ở bãi giữa sông Hồng nên việc đầu tư hạ tầng cho công viên văn hóa cảnh quan khu vực này được nhiều người quan tâm. Hạ tầng khu vực cần đảm bảo yếu tố thuận lợi nhưng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan không gian sông Hồng. Đó cũng là cách ứng xử với sông Hồng nói riêng và không gian kiến trúc thành phố nói chung.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ khu vực nội đô và từ phía Bắc thành phố, các quảng trường, công trình văn hóa, vui chơi cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, hài hòa với cảnh quan chung. Tuy nhiên, những đề xuất về việc xây dựng các công trình dịch vụ tiện ích, các công trình văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí... đang gặp vướng mắc về quy định sử dụng bãi sông trong quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Vì vậy, cần có quy định đặc thù để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lập quy hoạch chi tiết khu công viên cảnh quan bãi giữa sông Hồng.

Về tổ chức mạng lưới giao thông, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra quan điểm, tổ chức tuyến, mạng giao thông nội bộ gắn với yêu cầu chung từ toàn thể trục cảnh quan trung tâm, kết hợp khả thi chống ngập cần có tiêu chí định hướng, tính toán riêng, triển khai đồng bộ cùng quy hoạch. Tổ chức hệ thống giao thông đối ngoại cũng cần đề xuất những hướng tiếp cận và tổ chức, nhất là mở cửa vào các vùng trung tâm thành phố phía Bắc và Nam, xuyên qua tuyến đê bao chống lũ.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa cần được tổ chức trên cơ sở đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch, trong đó trọng yếu là các tuyến giao thông xanh và các giải pháp kết nối giao thông đường thủy, đường bộ đảm bảo liên kết thuận tiện với mạng lưới giao thông công cộng khu vực ven hai bãi sông, hình thành các điểm, tuyến kết nối và tiếp cận đa phương thức. Vì thế cần ưu tiên xử lý theo giai đoạn, theo thứ tự ưu tiên, trước hết là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, tiếp đến hệ thống giao thông tiếp cận đường bộ, đường thủy kết nối đa phương thức với các giải pháp đảm bảo an toàn thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn.

Giải pháp bảo tồn và kế thừa văn hóa trong thiết kế cũng được chỉ ra. Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Lâm và các cộng sự cho rằng, đối với các công trình kiến trúc cần sử dụng màu sắc hài hòa, khuyến khích sử dụng các vật liệu địa phương trong thiết kế kiến trúc công trình, sử dụng hình thức kiến trúc dân gian truyền thống, chi tiết trang trí và vật liệu truyền thống, có màu sắc gần gũi với thiên nhiên. Chủ đề, sắc màu và tiện ích trong công viên cần thống nhất và xuyên suốt trong quá trình thiết kế nhằm góp phần tạo môi trường mang tinh thần văn hóa, đậm bản sắc Hà Nội.

Những đề xuất của các chuyên gia sẽ được phân tích, đánh giá và đề xuất những hướng giải quyết nhằm đạt được kỳ vọng bãi giữa trở thành một không gian đậm chất văn hóa Việt Nam, góp phần khai thác dịch vụ du lịch cho Thủ đô Hà Nội.

Nguồn bài viết