Chuyên canh nông sản ở Đồng Tháp Mười  

1 năm trước 188
Chú thích ảnhThương lái thu mua và chở dứa đi tiêu thụ tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ảnh tư liệu: Nam Thái/TTXVN

Với nỗ lực của các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân, Tân Phước đã trở thành một trong những vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn với những thương hiệu nổi tiếng như dứa (khóm), thanh long, lúa năng suất cao cùng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác.

Huyện định hình trên 15.000 ha cho vùng trồng dứa chuyên canh, gần 6.500 ha đất trồng lúa năng suất cao mỗi năm ba vụ, trên 1.000 ha thanh long, gần 600 ha mít, gần 500 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao khác như: bơ, cây có múi, xoài, chanh,... Ngoài ra, huyện còn cơ cấu phát triển mạnh ngành chăn nuôi với tổng đàn lợn 21.000 con, đàn gia cầm 700.000 con, tổng đàn bò 2.600 con… 

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước Huỳnh Văn Bườn, địa phương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Song song đó, ứng dụng khoa học công nghệ tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với tổ chức lại sản xuất, liên kết tiêu thụ theo mô hình chuỗi giá trị giải quyết ổn định đầu vào và đầu ra nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tân Phước hướng đến mục tiêu phát huy thế mạnh đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, tập trung vào hai lĩnh vực chính là trồng trọt và chăn nuôi với 4 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, trái cây, rau màu và chăn nuôi.  Huyện qui hoạch vùng sản xuất tập trung, cải thiện và nâng chất lượng giống cây trồng, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ. 

Theo đó, địa phương giữ vững đất trồng lúa gần 6.500 ha với diện tích gieo trồng mỗi năm gần 20.000 ha, sản lượng gần 115.000 tấn lúa hàng hóa/ năm. Vùng chuyên canh khóm (dứa) tập trung tại các xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Tân Hòa Đông…Vùng trồng thanh long quy hoạch tại các xã Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Tân Lập I, Tân Lập II,... Vùng trồng rau màu tập trung ở các xã Phú Mỹ, Tân Hòa Thành, thị trấn Mỹ Phước trên diện tích sản xuất mỗi năm trên 1.500 ha. 

Đối với chăn nuôi, huyện Tân Phước qui hoạch khu chăn nuôi tập trung 200 ha tại xã Thạnh Tân và 5 tuyến chăn nuôi tại các xã Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh theo định hướng phát triển chăn nuôi qui mô vừa và lớn gắn với chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Đặc biệt, khuyến khích nông dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp, hiện đại, liên kết với các doanh nghiệp đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: sử dụng đệm lót sinh học, các chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, khử mùi hôi kết hợp xây dựng hầm ủ biogas trong chăn nuôi, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi sinh, môi trường.

Chú thích ảnhNông dân huyện Tân Phước thu hoạch ngó sen. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Giai đoạn 2016 - 2020, Tân Phước đã đầu tư gần 23,34 tỷ đồng kiện toàn mạng lưới kênh mương thủy lợi phục vụ các vùng chuyên canh, trên 4,8 tỷ đồng lắp đặt 9 trạm bơm điện bơm tát chống úng, chống hạn, phòng chống thiên tai lũ, lụt trên địa bàn, chủ động nguồn nước sản xuất, bảo vệ gần 24.500 ha đất canh tác.  Đồng thời, đầu tư hoàn thiện 134 ô đê bao phòng chống lũ lụt và triều cường có tổng chiều dài các tuyến đê bao 743 km bảo vệ sản xuất và đời sống.

Đối với trồng lúa, huyện nâng diện tích sử dụng giống xác nhận đạt 80%, diện tích canh tác theo mô hình 1 phải 5 giảm đạt 90%, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt trên 70% diện tích.

Nhằm đảm bảo đầu ra hạt lúa hàng hóa vùng Đồng Tháp Mười, huyện liên kết với các doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn ở 2 xã trọng điểm trồng lúa là Tân Hòa Tây và Phước Lập, qui mô gần 300 ha. Để nâng chất lượng vùng trồng dứa và cây ăn quả đặc sản chuyên canh, địa phương phát triển mạng lưới sản xuất và cung ứng giống chất lượng, sản lượng mỗi năm khoảng 1 triệu cây giống tốt phục vụ nhu cầu của bà con. 

Thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, 100% diện tích vùng trồng dứa chuyên canh, 60% diện tích thanh long áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ và các biện pháp tiên tiến khác giúp nâng cao chất lượng nông sản, chủ động mùa vụ thu hoạch, tránh tình trạng trúng mùa, mất giá.

Kinh tế hợp tác phát triển, đóng vai trò tập hợp nông dân, kết nối doanh nghiệp, giải quyết đầu ra nông sản. Tân Phước thành lập được 15 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, với trên 1.300 thành viên. Các hợp tác xã liên kết thu mua, tiêu thụ nông sản với nông dân theo mô hình chuỗi giá trị; mở rộng mạng lưới hàng trăm cơ sở thu mua, tiêu thụ, sơ chế sản phẩm cây ăn quả phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu; 23 trang trại chăn nuôi qui mô lớn liên kết với các doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị gắn kết đầu vào và đầu ra sản phẩm, 122 ha cây trồng đặc sản đạt chứng nhận VietGAP...

Theo đó, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phước mở rộng sản xuất - kinh doanh, định hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, phát triển được các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo liên kết với các hộ thành viên, nông dân, doanh nghiệp để nâng cao sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,..., trở thành một trong 20 nhà cung cấp nông sản, gồm: dứa, khoai mỡ, bắp Mỹ, nha đam, bí xanh, thanh long,... cho Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, Petro và Nhà máy Tanifood ( xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh)...; Bình quân mỗi tháng Hợp tác xã tiêu thụ trên 500 tấn nông sản của các thành viên và nông dân trên địa bàn.

Sắp tới, Tân Phước tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực, chú trọng đào tạo nghề nông thôn nhằm tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhất là nâng chất lượng nông sản hàng hóa đạt an toàn, truy xuất nguồn gốc và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng, nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả được chuyển đổi sang các cây trồng kinh tế, nông dân tăng thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững và nông nghiệp, nông thôn đổi mới. Hiện nay, 6 trong 11 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Năm 2022, dự kiến có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao đồng thời đang hướng tới mục tiêu ra mắt huyện nông thôn mới trước năm 2025.

Nguồn bài viết