Cà Mau nỗ lực tạo đột phá cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

2 năm trước 182
Chú thích ảnhThành phố Cà Mau thuộc đô thị loại 2, với hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ thông suốt đã tạo điều kiện để phát triển mạnh về du lịch, thương mại, dịch vụ, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Phát triển các lĩnh vực thế mạnh

Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng Dự thảo Chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, đề ra đồng bộ các nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả nghị quyết; trong đó tập trung tuyên truyền, quán triệt, tạo sự thống nhất, đồng thuận của toàn xã hội, tạo sự đột phá trong thực hiện nghị quyết trên địa bàn. Đồng thời, Cà Mau thực hiện thật tốt các thể chế, cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, nghiên cứu đề xuất các chính sách đặc thù, phù hợp với đặc điểm điều kiện của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long của các tỉnh vùng ven biển và của riêng Cà Mau, tạo điều kiện để các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu, tạo đột phá trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đề cập về các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt thông tin: Nằm ở cực nam của Tổ quốc, trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau là tỉnh ven biển có tới 3 mặt giáp biển, chiều dài bờ biển 254 km, diện tích ngư trường khoảng 80.000 km2, đem lại tiềm năng phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản; dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn, có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo.

Nằm trên trung tâm vòng cung hàng hải khu vực Đông Nam Á, Cà Mau có 2 cụm đảo gần bờ nên rất thuận lợi phát triển dịch vụ hàng hải và có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 140.000 ha, 2 vườn Quốc gia, khu Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển thế giới được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.

Thời gian qua, Cà Mau luôn chú ý quy hoạch, đầu tư phục vụ khai thác các tiềm năng, lợi thế. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá từng bước được đầu tư. Hạ tầng phục vụ du lịch đã có bước cải thiện đáng kể, dịch vụ du lịch khu vực ven biển đang được đầu tư phát triển, một số khu du lịch ven biển đã được hình thành và đi vào hoạt động.

Về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, Cà Mau có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt với tổng công suất 1.000 MW, đã đầu tư hoàn thành 3 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 100 MW, đồng thời tỉnh đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 24 dự án điện gió với tổng công suất 12.000 MW.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Thực hiện giải pháp tập trung nguồn lực phát triển nhanh, bền vững các lĩnh vực có thế mạnh, tỉnh Cà Mau nghiên cứu rà soát lại quy hoạch các ngành lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế phát triển trong tình hình mới, các lĩnh vực có vai trò cơ bản, đảm bảo nền tảng cho sự phát triển các lĩnh vực tiềm năng để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, đảm bảo khai thác tiềm năng, lợi thế của Cà Mau và khu vực gồm: hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không, hạ tầng đô thị và nông thôn. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản chủ lực. Đồng thời, tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp chế biến lâm sản để tạo ra đột biến về năng suất, sản lượng và chất lượng các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Mặt khác, Cà Mau cũng tiếp tục đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện khí, điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện hydro xanh ven biển, phấn đấu đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm năng lượng của khu vực. Tỉnh còn mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, tầm nhìn tốt vào nghiên cứu quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các Vườn Quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển.

Tạo lợi thế cạnh tranh

Thực hiện mục tiêu đưa Cà Mau phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành địa phương phát triển mạnh về biển, nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ logistics của vùng và cả nước, để tạo lợi thế cạnh tranh, trong thu hút đầu tư, Cà Mau đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, đồng bộ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, tỉnh tập trung thực hiện các đột phá chiến lược gồm: đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án có tính liên kết, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giải pháp thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai chỉ thị này, đảm bảo luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Cà Mau tập trung vào các giải pháp rút ngắn chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý hành chính đất đai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến, kết nối giao thương...

Tỉnh triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư; trong đó tập trung mời gọi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện các giải pháp khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức thực hiện và giám sát chặt chẽ kế hoạch đầu tư công hàng năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: Cà Mau chú trọng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng, thường xuyên đồng hành và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong gia nhập thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư và mở rộng thị trường.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau Nguyễn Đức Thánh, kết quả Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh Cà Mau có sự bứt phá đáng kể. Cụ thể, chỉ số PCI Cà Mau xếp thứ 32/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 7 trong số 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, kết quả xếp hạng này cũng ghi nhận chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh của Cà Mau tăng tới 46 bậc, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành, thể hiện sự nỗ lực của tỉnh Cà Mau trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương.

Thời gian tới, Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nền kinh tế và xã hội số, thu hút và sử dụng nguồn vốn vay, vốn tư nhân thông qua các hình thức đối tác công - tư để phát triển hạ tầng, các ngành có lợi thế và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu để Cà Mau là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư du khách, là nơi đáng sống của người dân.

Nguồn bài viết