Hội chợ có 260 gian hàng của 100 chủ thể thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ đăng ký kinh doanh đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh Cao Bằng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo cho biết, Cao Bằng là địa phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển sản xuất nông sản đặc hữu theo hướng hàng hóa. Các điều kiện sinh thái, văn hóa giúp tỉnh có lợi thế phát triển các sản phẩm nông sản gắn liền với bản sắc dân tộc và tri thức bản địa. Hiện nay, tỉnh có trên 500 cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn. Theo đó, có 213 cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm; 177 cơ sở chế biến lâm sản; 118 hợp tác xã tham gia sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận.
Chương trình OCOP được tỉnh Cao Bằng triển khai từ năm 2020. Đến nay, tỉnh có 97 sản phẩm OCOP; trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao thuộc 5 nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống, dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Chủ thể thực hiện gồm 23 hợp tác xã, tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp, 30 hộ sản xuất kinh doanh.
Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng năm 2023 là hội chợ có quy mô cấp vùng lần đầu tiên được tổ chức tại Cao Bằng. Hội chợ nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc văn hoá địa phương, nâng cao hình ảnh sản phẩm OCOP. Từ đó, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm hàng hóa nhân dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Hội chợ cũng cơ hội cho các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể sản xuất trong và ngoài tỉnh có dịp giao thương, học tập, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, phát triển thị trường trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.