Bến Tre hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực

1 năm trước 90
Chú thích ảnhDây chuyền dán mác, đóng bao bì sản phẩm bưởi da xanh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Qua thời gian thực hiện, bước đầu, các chuỗi sản phẩm dừa, chôm chôm và bưởi da xanh hình thành khá rõ nét; trong đó, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, khoảng 30% sản phẩm dừa của tỉnh được chế biến sâu để xuất khẩu, dừa Bến Tre trở thành thương hiệu dừa Việt Nam (Vietcoco) được các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ rất quan tâm.

Hình thành các chuỗi

Thời gian qua, xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, tỉnh Bến Tre đã quyết liệt tập trung triển khai việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, đến nay, toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 67 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đặc biệt, các loại cây trồng như lúa, cây ăn trái, rau màu, cây dừa, cây giống- hoa kiểng được cơ cấu lại theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi, sản xuất sạch, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, đến nay, chuỗi dừa có 32 tổ hợp tác, 28 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị dừa với quy mô hơn 5.648 ha và 6.226 thành viên; chuỗi chôm chôm có 3 hợp tác xã và 22 tổ hợp tác tham gia liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 348 ha; nhãn có 3 hợp tác xã tham gia với diện tích 98,5 ha... Riêng chuỗi bưởi da xanh, tỉnh đã hình thành 7 tổ hợp tác và 13 hợp tác xã hình thành 20 liên kết với với doanh nghiệp đầu ra, với diện tích hơn hơn 374 ha.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo quy chuẩn sạch, an toàn, tập trung, xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, sản xuất sạch theo tiêu chuẫn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu…Đến nay, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP và hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 24.246 ha; trong đó, dừa 17.293 ha, cây ăn trái hơn 678 ha, thủy sản 6.275 ha. Tỉnh đã cấp mới và duy trì 28 vùng trồng được gắn 59 mã số với diện tích 550,18 ha trên bưởi, chôm chôm, xoài và sầu riêng.

Ông Nguyễn Văn Nhịp, xã Phước Long, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cho biết, 2 năm trước vườn dừa khô nguyên liệu của gia đình tiêu thụ bán cho các thương lái ngoài thị trường, do đó giá cả đầu ra bấp bênh, thường xuyên bị ép giá. Tuy nhiên, từ khi trực tiếp ký bán dừa cho Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre thông qua hợp tác xã tại địa phương, ông an tâm hơn về đầu ra cho trái dừa, với giá luôn cao hơn thị trường từ 5.000-8.000 đồng/chục (12 trái) nên lợi nhuận cao hơn trước. Bên cạnh đó, ông còn được công ty hướng dẫn trồng dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ nên giảm được vật tư phân bón, thuốc trừ sâu…, lợi nhuận tăng hơn so với trồng dừa theo cách truyền thống.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, hình thức liên kết chuỗi chủ yếu được thực hiện theo hình thức nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đây là hình thức liên kết doanh nghiệp rất ủng hộ, vì vậy liên kết chuỗi cần chú trọng liên kết lâu dài, bền vững. Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đồng hành, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm liên kết chuỗi trên diện tích từ 100-200 ha sầu riêng. Mức giá doanh nghiệp đưa ra tùy theo mùa vụ thuận và nghịch, kể cả mức giá cố định. Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho hợp tác xã và tham gia vào hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong việc quản lý, kinh doanh theo hình thức đúng vai trò là hợp tác xã.

Mặc dù, tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần phục. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức, việc tổ chức sản xuất, liên kết của các tổ hợp tác, hợp tác xã còn yếu kém, rời rạc. Mối liên kết sản xuất- tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa bền vững và thực chất, chưa thể hiện rõ hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông sản (trừ trái dừa) trong chuỗi đều thuộc dạng vừa và nhỏ chưa có thị trường tiêu thụ ổn định về số lượng và chất lượng, dễ bị tác động bởi các yếu tố khác. Vì vậy, các liên kết chuỗi được hình thành nhưng duy trì chưa mang tính bền vững…

Ông Huỳnh Quang Đức cho hay, trong các chuỗi giá trị thì chuỗi giá trị dừa có quy mô, chất lượng và hình thành ngành hàng tạo giá trị tăng thêm khá rõ ràng. Tuy nhiên, các chuỗi còn lại như lợn, bò, tôm biển chỉ đạt ở mức độ ban đầu, tức là chỉ tạo lợi thế cung ứng sản phẩm nhiều hơn là phát huy chuỗi giá trị đúng nghĩa.

"Tới đây, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn thực hiện các chuỗi. Ngoài ra, tỉnh tiến hành củng cố các mối liên kết trong chuỗi như giữa nông dân với nông dân; nông dân với doanh nghiệp; doanh nghiệp với doanh nghiệp để tạo ra vùng sản xuất ổn định...", ông Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.

Xây dựng vùng xuất tập trung        

Chú thích ảnh Sơ chế chôm chôm xuất khẩu ở Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực đang được tỉnh Bến Tre tập trung triển khai thực hiện hiệu quả. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 cho thấy, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm không ngừng tăng lên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho hay, xác định sản xuất nông nghiệp tiếp tục là trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội, địa phương tổ chức thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nhà nước sẽ giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng; định hướng xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, Bến Tre tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của quốc gia và của tỉnh, kết hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nhằm tạo lòng tin của sản phẩm trên thị trường.

Ông Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tỉnh triển khai các giải pháp căn cơ để thực hiện có hiệu quả 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, như vấn đề liên kết ngang thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã; mối liên kết dọc giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, đồng thời phát triển doanh nghiệp đầu chuỗi để có chuỗi giá trị mạnh.

Trong khi đó, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở chế biến, xuất khẩu trái cây Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) cho rằng, để xây dựng chuỗi ngành hàng của một sản phẩm nông nghiệp thì cần đi theo con đường kinh tế hợp tác. Những năm qua, cơ sở Hương Miền Tây đã hợp tác với các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất bưởi da danh của Bến Tre để thu mua bưởi của nông dân. Qua đó, đảm bảo được vấn đề tiêu thụ bưởi cho nông dân và hợp tác xã cũng có nguồn hàng cung ứng ổn định phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục cùng các ngành, đoàn thể, địa phương tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị. Mặt khác, tỉnh quan tâm kết nối chặt chẽ các doanh nghiệp với nông dân, nông dân với nông dân, tích cực hỗ trợ  nâng cao năng lực, hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục xây dựng phát triển các mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm lợn, bò, nhãn và cây giống-hoa kiểng lên thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh; tạo giá trị tăng thêm cho các chuỗi sản phẩm cao hơn. Cụ thể, giá trị chuỗi dừa và tôm biển đều đạt 1 tỷ USD; chuỗi bò và cây giống - hoa kiểng đều đạt 500 triệu USD vào năm 2025. Đặc biệt, địa phương xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung; trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là 1.826 ha; 1 vùng sản xuất dừa uống nước với 20 ha. Hiện nay, các doanh nghiệp liên kết đang tổ chức thu mua và hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng.

Nguồn bài viết