Bình Định quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch

1 năm trước 203
Chú thích ảnhSản phẩm bánh tráng truyền thống của Công ty TNHH Sachi Nguyễn (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) được công nhận OCOP 4 sao năm 2020. Ảnh tư liệu: Tường Quân/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Trần Văn Thanh nhấn mạnh, đây là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng. Từ đó định hướng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây là hướng đi cần thiết, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách thời gian tới.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Trần Văn Thanh, để làm được điều đó, trước hết cần xây dựng các chương trình tour, tuyến du lịch đến các làng nghề, cộng đồng dân cư, hộ sản xuất kinh doanh, các cửa hàng bán các sản phẩm OCOP để khách du lịch tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, mua sắm. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động quảng bá các sản phẩm OCOP gắn liền với phát triển du lịch; hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia nhiều hơn vào hội chợ xúc tiến du lịch, triển lãm du lịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm với siêu thị, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ sở sản xuất tăng cường ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất; ứng dụng công nghệ nhận diện sản phẩm thông minh giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng thông qua mạng xã hội; ứng dụng mã QR-Code với logo nhận diện du lịch Bình Định trên sản phẩm OCOP của các địa phương.

Các địa phương, chủ thể OCOP cũng cần nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị sản phẩm; chú trọng hoàn thiện bao bì, nhãn mác, đăng ký bảo hiệu nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm…

Thống kê, toàn tỉnh hiện có 114 tổ chức kinh tế với 133 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, có 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao (sản phẩm cá ngừ đại dương của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Nguyên và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Xuân Lộc, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn; sản phẩm gà giống của Công ty trách nhiệm hữu hạn giống gia cầm Minh Dư, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), 15 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận, tham gia đóng góp ý kiến để việc quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch đạt hiệu quả. Đại diện Sở Công Thương tỉnh cho rằng, phải nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; phấn đấu có nhiều sản phẩm đạt 5 sao để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; phát triển nguồn nhân lực cho OCOP và bán hàng.

Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu giải pháp, cần phải nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; các tuyến phố OCOP; bố trí, trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm dừng nghỉ dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch; xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng của từng địa phương; phát triển sản phẩm OCOP làng nghề gắn với các tour du lịch của tỉnh…

Nguồn bài viết