Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết: Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1619-TTg ngày 14/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ) đã nêu rõ “Quan điểm phát triển”: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực, chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa Bình Định trở thành một trong những điểm đến, nơi hội tụ của các nhà khoa học, trung tâm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”…
Tại Quy hoạch đã xác định cụ thể các mục tiêu, phương hướng phát triển, trong đó đã nhấn mạnh đến các trụ cột, giải pháp, phương án về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bình Định có nhiều thế mạnh, tiềm năng về phát triển Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST). Trong đó, trước hết là sự quan tâm của các cấp Lãnh đạo chính quyền địa phương đối với hoạt động KHCN&ĐMST; việc triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp phát triển KHCN&ĐMST trên các lĩnh vực; có nhiều thiết chế, hạ tầng về KHCN&ĐMST chất lượng cao, tiêu biểu là Trung tâm Quốc tế và Giáo dục liên ngành, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo… không chỉ có uy tín, sự ảnh hưởng trong giới khoa học trong nước mà còn cả quốc tế.
Báo cáo kết quả hoạt động KH&CN của Bình Định cho thấy, công tác quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của địa phương; các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí chi thường xuyên, trong đó Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo là một điểm đến khá thu hút, đầy tính “khám phá”, lan toả được tình yêu khoa học và công nghệ đến đông đảo quần chúng, nhất là giới trẻ...
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định phát biểu. Ảnh: BĐCác thiết chế KH&CN khác như Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) với nhiều sự kiện khoa học - giáo dục quy mô, tầm cỡ quốc tế được tổ chức, là điểm “gặp gỡ”, địa chỉ khoa học uy tín của các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học hàng đầu thế giới; là điểm sáng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Nam Á, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Có thể thấy, tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển KHCN&ĐMST là rất lớn.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái sẽ còn có nhiều việc cần làm để thực hiện được mục tiêu xây dựng và phát triển nơi đây thành “trung tâm KHCN&ĐMST của vùng”, với “Khu đô thị khoa học tầm cỡ quốc gia”, “điểm đến ngày càng hấp dẫn của các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế”; đặc biệt để thực hiện được các đột phá phát triển, phương hướng, phương án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được đề ra đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực, thực chất và hiệu quả hơn nữa của KH&CN, giúp tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...; phát huy và khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của tỉnh.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KHCN&ĐMST trên địa bàn tỉnh... tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục phát triển và nâng cao tiềm lực KH&CN của tỉnh: tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng nguồn lực, ngân sách địa phương cho hoạt động KHCN&ĐMST; huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách cho hoạt động KHCN&ĐMST trên địa bàn tỉnh; đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thu hút, huy động các viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp KH&CN trực thuộc, các tổ chức nghiên cứu phát triển, các thiết chế khoa học-công nghệ-giáo dục trên địa bàn để tiếp tục phát huy sự ảnh hưởng của KH&CN đối với xã hội. -
Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong các dự án đầu tư, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển bền vững…
Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong phát triển kinh tế biển theo hướng kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn, tập trung vào các lĩnh vực: nuôi trồng và khai thác hải sản; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; du lịch sinh thái và dịch vụ biển; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển; năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo… góp phần thực hiện mục tiêu “Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển” theo Quy hoạch. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp tỉnh để phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương, sản phẩm theo chuỗi giá trị, phục vụ hiệu quả cho tăng trưởng, phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.