Bình Định chưa xóa bỏ được hết các lò gạch thủ công

1 năm trước 117
Chú thích ảnhLàng gạch thủ công ở cụm công nghiệp Tây Xuân, huyện Tây Sơn (Bình Định).

Tuy nhiên, đến nay huyện Tây Sơn là đơn vị có số lượng lò gạch nhiều nhất tỉnh vẫn chưa thực hiện được. Để đạt được mục tiêu “xóa bỏ” các lò gạch thủ công vào cuối năm 2023 này, huyện Tây Sơn phải thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: "Trước đây, Tây Sơn được xem là thủ phủ của gạch, ngói từ các làng nghề truyền thống lâu đời với 958 lò, tập trung ở xã Tây Xuân và Bình Nghi. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh xóa bỏ chậm nhất 31/12/2016, chúng tôi cũng thực hiện rất quyết liệt và hiện giờ toàn huyện chỉ còn 70 lò thủ công nhưng các lò này hiện chỉ hoạt động cầm chừng".

Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng lý giải, hiện người dân làm gạch thì kinh tế chính chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất lò thủ công; phần lớn lao động ở các lò gạch đều lớn tuổi và không thể chuyển đổi nghề nào khác. Hơn nữa, Việc đầu tư của các doanh nghiệp khác thu hút nông dân còn hạn chế… dẫn đến chưa đạt được yêu cầu của tỉnh.

Có mặt tại cụm công nghiệp Tây Xuân, một trong những làng nghề của gạch ngói Phú Phong (thương hiệu nổi tiếng của huyện Tây Sơn), theo quan sát, hiện vẫn còn khá nhiều lò gạch chưa chịu tháo dỡ. Một số lò đã đập bỏ lò nung gạch và ngừng hoạt động nhưng vẫn không chịu di dời, tháo dỡ hoàn toàn. Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chủ yếu là do các chủ lò nằm trong 2 cụm công nghiệp Hóc Bợm và Tây Xuân có tâm lý chờ các doanh nghiệp vào đầu tư để được giải phóng mặt bằng, thỏa thuận nhận mức đền bù cao hơn. Hơn nữa, các lò gạch hiện chỉ hoạt động cầm chừng, lúc nào có khách hàng mua thì mới “đốt lò” nên gây khó khăn cho nhà quản lý.

Chú thích ảnhMột trong các lò gạch sản xuất thủ công đang hoạt động cầm chừng.

Ông Lê Hồng Cự, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn cho biết: "Khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động xóa bỏ, tôi chấp hành và nghỉ. Hiện ở làng gạch chúng tôi, có nhiều công ty vô đầu tư nên rất vui và hi vọng các công ty này hỗ trợ thì chúng tôi dọn dẹp, trả lại mặt bằng cho nhà nước".

Để giải bài toán xóa bỏ các lò gạch thủ công, chính quyền huyện Tây Sơn đã tiến hành tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, cũng triển khai nhiều biện pháp mạnh như: Ngưng cung cấp nước; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các nguồn nguyên liệu, thu hồi tất cả các giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh… 

“Thời gian đến, huyện sẽ rà soát những khu vực có thể quy hoạch khu dân cư, đền bù, giải phóng mặt bằng để bù đắp một phần kinh tế cho người dân. Chỉ đạo cho các xã có lò gạch thủ công đang tồn tại rà soát lại quỹ đất mình đang quản lý, thông báo cho người dân biết nếu có nhu cầu cần tư liệu sản xuất nhất là đất đai thì lập hồ sơ, xây dựng phương án cho thuê đất sản xuất để ổn định đời sống.” Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng khẳng định.

Hơn nữa, huyện cũng sẽ tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp Hóc Bợm và cụm công nghiệp Tây Xuân, vừa lấp đầy diện tích thuê đất, vừa xóa bỏ lò sản xuất gạch ngói thủ công cũng như giải quyết việc làm, thu nhận những lao động dôi dư khi chấm dứt lò gạch thủ công và tăng thu nhập cho người lao động.

Hiện, một số đơn vị khi đăng ký vào các cụm công nghiệp của huyện cũng đã cam kết hỗ trợ giúp đỡ một phần các lao động dôi dư, lao động của địa phương, nhất là các lao động ở các làng gạch thủ công.

Ông Mai Ngọc Phúc, Giám đốc quản lý dự án Tập đoàn An Việt Phát (đơn vị có dự án trên đất tháo dỡ của làng nghề gạch thủ công) cam kế: "Chúng tôi chọn lựa vị trí cụm công nghiệp Tây Xuân, huyện Tây Sơn để đặt nhà máy sau khi khảo sát về nguyên liệu, nguồn lao động,với diện tích 5,6 ha. Chúng tôi cũng cam kết đảm bảo lợi ích an sinh xã hội, sử dụng nguồn lao động địa phương, có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn lao động bị ảnh hưởng của việc di dời lò gạch thủ công, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ tuyển dụng, đào tạo, tạo sinh kế cho họ.”

Tây Sơn có 958 lò gạch thủ công trên tổng số toàn tỉnh là 1.214 lò. Hiện các địa phương đã cơ bản hoàn thành tháo dỡ các lò sản xuất gạch thủ công đúng theo lộ trình. Việc tồn tại các lò gạch thủ công đã gây không ít nguy hại cho môi trường cũng như trong công tác quy hoạch, quản lý ở địa phương.

Nguồn bài viết