Báo Đức: Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới

2 năm trước 164
Chú thích ảnhGiới thiệu công nghệ Đức qua các sản phẩm trưng bày của các doanh nghiệp Đức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Xuân Khu/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Berlin cho biết theo Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam, tỷ trọng kinh tế số đến năm 2025 sẽ đạt 20% GDP và tới năm 2030 tăng lên 30% GDP. Bài báo nhấn mạnh Việt Nam đến nay đã thành công trong lĩnh vực phần cứng, khi phần lớn điện thoại di động Samsung, iPad và tai nghe Bluetooth của Apple đều được sản xuất tại đây. Bên cạnh việc sản xuất hàng loạt sản phẩm điện tử, Việt Nam cũng đang ngày càng xuất khẩu nhiều mã nguồn điều khiển máy móc, thiết bị. Nhiều tập đoàn quốc tế đã thành lập các trung tâm phát triển hoặc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ CNTT ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu thị trường A.T. Kearney (Mỹ) thường xuyên xếp Việt Nam vào top 5 điểm đến hấp dẫn nhất cho dịch vụ gia công CNTT.

Bài báo cho biết tập đoàn Bosch đang đẩy mạnh mạng lưới kỹ thuật số cho các sản phẩm của hãng với một trong những trung tâm phát triển phần mềm quan trọng nhất toàn cầu của Bosch tại Thành phố Hồ Chí Minh - nơi hiện có trên 3.000 lập trình viên làm việc cho công ty Bosch Global Software Technologies Việt Nam (BGSW) và số nhân lực này của Bosch chỉ đứng sau Ấn Độ. "Công xưởng" của Bosch tại Việt Nam sẽ còn quan trọng hơn nữa khi hãng dự kiến tăng gần gấp đôi số chuyên gia CNTT vào giữa thập kỷ này. Bosch mới đây cũng đã mở thêm một trung tâm phần mềm mới tại thủ đô Hà Nội. Theo ông Gaur Dattatreya, Giám đốc điều hành BGSW, Việt Nam là địa điểm rất thích hợp do có lượng lớn chuyên gia trẻ tuổi (trung bình 28 tuổi) và được đào tạo bài bản từ các trường đại học công lập và quốc tế có chất lượng cao, trong đó có trường Đại học Việt - Đức (VGU). Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh để có được các lập trình viên giỏi cũng tăng lên khi trong năm nay, Samsung đã hoàn thiện việc xây dựng một trung tâm công nghệ trị giá 220 triệu USD ở Hà Nội để nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các giải pháp dữ liệu lớn (Big Data). Nhà lập trình game của Pháp là Ubisoft cũng đã chọn và mở văn phòng tại Đà Nẵng với lý do Việt Nam nằm ở trung tâm châu Á và có nhiều nhân tài trong hệ sinh thái. Hiện công ty có trên 80 nhân viên lập trình game tại đây.

Trong khi đó, các nhà phát triển phần mềm ứng dụng ở Việt Nam cũng đang vươn lên đứng đầu khu vực. Theo số liệu của hãng phân tích và dữ liệu ứng dụng Data.ai, 7 trong số 20 ứng dụng được tải xuống thường xuyên nhất ở Đông Nam Á đến từ Việt Nam. Điển hình trong số này là trò chơi chuỗi khối "Axie Infinity" của nhà phát hành game Việt Sky Mavis vốn trở thành tựa game đình đám thế giới trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Theo một nghiên cứu của tập đoàn Google, Temasek (quỹ nhà nước Singapore) và công ty tư vấn Bain, nền kinh tế Internet của Việt Nam được dự báo đạt tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á, với doanh số hằng năm tăng gấp hơn 10 lần, từ mức 21 tỷ USD hiện nay lên 220 tỷ USD vào năm 2030.

Bài báo nhấn mạnh khách hàng là các doanh nghiệp châu Âu sẽ trở thành một trụ cột quan trọng cho ngành công nghiệp Việt Nam và một trong những lý do quan trọng thu hút khách hàng châu Âu là giá thành sản phẩm. Theo bài viết, nhiều khách hàng Đức nói rằng họ có thể thực hiện các đơn hàng với các đối tác Việt Nam có chi phí thấp hơn từ 10 - 20% so với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam và đây là yếu tố quan trọng, đặc biệt với các dự án cần chi nhiều cho việc lập trình. Liên quan vấn đề này, Giám đốc BGSW Dattatreya khẳng định giá thành rẻ hơn song không hề kém độ tin cậy. Ông cho biết trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, nhiều hoạt động ở Việt Nam bị gián đoạn, song các nhân viên sẵn sàng làm việc từ xa, giảm thiểu khó khăn, giúp Bosch hoàn thành mọi lịch hẹn bàn giao sản phẩm.

Nguồn bài viết