Đây không chỉ là mục đích phát triển kinh tế mà còn vì nghề truyền thống là nét văn hóa cần gìn giữ và bảo tồn.
Nghề làm bánh tráng tại xã An Ngãi, huyện Long Điền đã có tuổi đời hơn 50 năm. Năm 2013, nghề làm bánh trang tại xã An Ngãi được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận là nghề truyền thống. Từ đó đến nay, nghề làm bánh tráng tại xã An Ngãi không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng về sản phẩm và ổn định thị trường. Mới đây, bánh tráng xã An Ngãi tiếp tục được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là làng nghề truyền thống đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hơn 50 năm hình thành và được duy trì qua nhiều thế hệ. hiện toàn xã An Ngãi, huyện Long Điền có 128 hộ làm bánh tráng, chiếm gần 60% tổng số hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn xã.
Gắn bó với nghề hơn 40 năm nay, hiện mỗi ngày vợ chồng ông Phan Văn Hên và bà Phan Thị Nhung đã gần 70 tuổi, ở ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền, vẫn đều đặn tráng hơn 2.000 chiếc bánh, bán cho thương lái ở các chợ trong và ngoài tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nghề bánh tráng đã theo và nuôi sống gia đình ông gần như cả cuộc đời.
Ông Nguyễn Văn Hên chia sẻ: “Bánh tráng An Ngãi được công nhận làng nghề đó là niềm vinh dự, tự hào của người dân gắn bó cả cuộc đời mình với nghề như tôi. Tôi mong muốn, ngày càng nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, cơ quan chức năng tổ chức tập huấn để làng nghề bánh tráng An Ngãi phát triển hơn, vận động người làm nghề vào hợp tác xã để sản xuất ổn định tạo nên thương hiệu hàng hóa, sản xuất theo hướng OCOP để sản phẩm có thương hiệu thị trường, đời sống người dân sẽ khá hơn”.
Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống lâu đời của địa phương, xã An Ngãi đã tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ đối với nghề làm bánh tráng; trong đó, thực hiện dự án “Phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi” đã tạo điều kiện người làm nghề bánh tráng tại xã tiếp cận với cơ giới hóa, máy móc và trang thiết bị hỗ trợ làm nghề như: máy xay bột, lò tráng điện…
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã tiết kiệm chi phí, thời gian và sức lao động cho người dân đồng thời bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm làm ra nhiều hơn, chất lượng hơn.
Ông Nguyễn Tăng Trường Duy, Phó Chủ tịch UBND xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết: “Sau khi được công nhận làng nghề bánh tráng, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy, phát triển làng nghề, thành lập các cụm để thành khu du lịch cộng đồng, đăng ký sản phẩm OCOP. Đồng thời, vận động thành lập hợp tác xã và triển khai khai thác và sử dụng thương hiệu này để các hộ sản xuất kinh doanh bánh tráng tại xã An Ngãi được phát triển trong thời gian tới tốt hơn.
Nghề truyền thống làm bún Long Kiên, phường Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa cũng hình thành từ lâu đời, từ những năm 1954 do những cư dân di cư từ huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng vào Bà Rịa – Vũng Tàu lập nghiệp mang theo nghề làm bún gia truyền và phát triển cho đến ngày hôm nay. Hiện nghề bún Long Kiên có khoảng 40 hộ sản xuất, với sản lượng khoảng 20 tấn/ngày. Sản phẩm bún Long Kiên không chỉ được tiêu thụ trên địa tỉnh mà còn có mặt tại các tỉnh Đồng Nai và Tp.Hồ Chí Minh.
Các hộ làm bún chủ yếu tập trung ở khu phố 6, phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa. Trải qua hơn 60 hình thành và phát triển, từ chỗ chỉ có 3 đến 4 hộ lúc sơ khai, đến nay, làng bún Long Kiên đã có khoảng 40 hộ làm bún. Tuy số lượng không nhiều nhưng nghề này đã phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho bà con nơi đây.
Trước kia việc sản xuất bún ở Long Kiên chủ yếu nhỏ lẻ và làm thủ công nên sản phẩm làm ra mất nhiều thời gian, năng suất không cao. Tuy nhiên từ năm 2013, bún Long Kiên được công nhận là nghề truyền thống, sản phẩm của bún Long Kiên ngày càng vươn xa và không ngừng mở rộng thị trường. Nhiều hộ dân đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất bún, không chỉ giúp năng suất bún tăng lên gấp 3-5 lần so với trước kia, mà công lao động cũng giảm đáng kể. Nhờ vậy, bún Long Kiên đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường, mang lại giá trị thu nhập cao hơn.
Để duy trì và phát triển nghề bún Long Kiên, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hỗ trợ các sơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tăng cường tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở nhằm giúp cho sản phẩm bún làm ra đảm bảo chất lượng, nâng cao thương hiệu sản phẩm bún Long Kiên trên thị trường.
Ông Nguyễn Hà Quang, công chức Thương mại - Dịch vụ phường Phước Nguyên cho biết, từ năm 2015, tỉnh bắt đầu thực hiện việc xây dựng hệ thống xử lý môi trường cho nghề làm bún Long Kiên, đến năm 2020, đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải khép kín.
Dự án đã góp phần hỗ trợ người dân ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất của nghề, áp dụng công nghệ mới ít chất thải, hạn chế tiếng ồn. Địa phương khuyến khích các cơ sở sản xuất bún đầu tư đổi mới trang thiết bị theo phương châm kết hợp công nghệ tiên tiến với công nghệ thủ công truyền thống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, để duy trì và phát triển nghề truyền thống trển địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, thông qua hình thức hỗ trợ máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất, để cho người dân phần nào giải phóng dược sức lao động; hỗ trợ về xử lý nước thải để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường để người dân yên tâm gắn bó với nghề.
Ngoài ra, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành về phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát triển nghề truyền thống. Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng đã có kế hoạch để xúc tiến thương mại, xây dựng các thương hiệu, làm các sản phẩm OCOP sản phẩm du lịch ở khu vực nông thôn.
“Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ để các cơ sở ngành nghề nông thôn về tín dụng; phấn đấu có trên 80% cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn được áp dụng khoa học công nghệ theo hướng thân thiện môi trường.
Cùng với đó, tiếp tục tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ để 100% sản phẩm được thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh…”, ông Vũ Ngọc Đăng thông tin thêm.