Bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu quý tại Ninh Thuận

1 năm trước 83

82 nguồn gen dược liệu quý hiếm

Chú thích ảnhChuối cô đơn là 1 trong 25 loại cây dược liệu đang được tỉnh Ninh Thuận ưu tiên phát triển quy mô lớn. 

Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên thích hợp với nhiều loài cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Theo kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh về khảo sát, điều tra cây dược liệu trên địa bàn năm 2017 của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành ghi nhận, Ninh Thuận có 1.269 loài cây thuốc; trong đó đã chỉ ra 82 nguồn gen dược liệu quý hiếm, đặc trưng, mang tính chất bản địa cần bảo tồn và phát triển.

Nguồn cung dược liệu của địa phương chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác từ tự nhiên, chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh dẫn đến nguy cơ suy giảm nhanh về số lượng và thành phần loài cây thuốc, dược liệu quý. Việc trồng, chế biến loại cây này chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Ngoài ra, địa bàn thiếu doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao.

Để bảo tồn nguồn gen thuốc quý và chủ động được nguồn dược liệu, mới đây UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch 4497/KH-UBND về phát triển dược liệu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu chính đến năm 2025 sẽ bảo tồn và khai thác bền vững 82 nguồn gen cây dược liệu quý hiếm, đặc trưng của tỉnh; phát triển 25 cây dược liệu quý, đặc hữu với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển 60 cây dược liệu với quy mô lớn phục vụ khám, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền của đồng bào Chăm (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải). Cùng với đó, Ninh Thuận xây dựng vùng trồng sản xuất dược liệu có từ 1 - 2 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất các dược liệu quý, đặc hữu với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO), sản xuất công nghệ cao.

Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích và chủng loại 25 dược liệu hàng hóa trong giai đoạn 2025; đồng thời, di thực 5 - 10 cây dược liệu quý phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, phát triển thành sản phẩm hàng hóa quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khuyến khích đầu tư phát triển trồng dược liệu

Chú thích ảnhĐinh lăng là 1 trong 25 loại cây dược liệu đang được tỉnh Ninh Thuận ưu tiên phát triển quy mô lớn. Ảnh: TTXVN phát

Theo kế hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh tập trung ưu đãi, thu hút 4 dự án lớn đầu tư tại khu công nghiệp Phước Nam (huyện Thuận Nam) gồm: Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc, mỹ phẩm từ cây Neem với 15 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 150 tỷ; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ cây Lô hội với 10 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 100 tỷ; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng từ nho, dê, cừu với 5 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 50 tỷ; Đầu tư trồng 50 ha các cây dược liệu bằng công nghệ cao phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với vốn đầu tư 20 tỷ.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, xây dựng các vùng sản xuất cây dược liệu tập trung đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành trồng trọt và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP - WHO); đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu để từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, Hội Đông y tỉnh, các địa phương triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp chính. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân khai thác dược liệu có hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất các phương pháp thu hái gây tổn hại đến các loại dược liệu quý, dẫn đến tuyệt chủng. Đồng thời, đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án; dành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển dược liệu.

Để khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên dược liệu, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước chuyển giao, nhân rộng kết quả các đề tài khoa học nghiên cứu về dược liệu đến doanh nghiệp và các địa phương. Tỉnh tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số vùng dự án liên kết với doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu; hỗ trợ phát triển sản xuất vùng nuôi trồng dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái. Địa phương quy định rõ các loại đất để phát triển cây dược liệu phải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất. Đối với đất trồng cây hàng năm phù hợp với nhiều chủng loại cây dược liệu (như: Bạc hà, Sả, Nghệ, Lô hội, Râu mèo, Sâm bố chính, Đinh lăng, Chuối cô đơn, Kim ngân hoa, Hà thủ ô đỏ...), các địa phương cần chú ý chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp. Đất lâm nghiệp có diện tích, tiềm năng lớn cho phát triển cây dược liệu (như: Bách bệnh, Bách bộ, Xáo tam phân, Sa nhân tím, Sâm cau, Địa liền, Gấm núi, Bòng bòng dẻo, Dây đau xương, Dây khai, Dây thần thông, Cốt toái bổ, Linh chi tím, Lan gấm...) được khuyến khích phát triển.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để nâng cao hiệu quả sản xuất dược liệu, tỉnh sẽ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản, nâng cao chất lượng chế biến theo các tiêu chuẩn đã được Bộ Y tế ban hành; xây dựng các mô hình liên kết với các công ty kinh doanh dược liệu ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất. Các đơn vị chức năng tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn người sản xuất thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về canh tác, thu hái, bảo quản để duy trì và nâng cao sản xuất, chất lượng sản phẩm. Địa phương chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nguồn dược liệu được nuôi trồng, sản xuất từ nguồn của tỉnh để góp phần quảng bá và nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Nguồn bài viết