An toàn đê điều trước mùa mưa bão - chủ động hành động sớm

6 tháng trước 61
Chú thích ảnhKè Hoài Thượng (Thuận Thành) được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống lũ. Ảnh: baobacninh.com.vn

Nằm ở hạ du lưu vực sông Hồng - Thái Bình, tỉnh Bắc Ninh có các con sông lớn chảy qua là sông Đuống, sông Thái Bình và sông Cầu, do đó luôn chịu tác động đồng thời của dòng chảy lũ của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Thời gian qua, Bắc Ninh là một trong những địa phương thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều. Điều này đã tạo ra một hệ thống đê điều an toàn, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Những tuyến đê an toàn

Những năm gần đây, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và địa phương, các tuyến đê tại Bắc Ninh đã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%; các công trình kè, cống, trạm bơm cũng được đầu tư xây mới, nâng cấp. Nhờ đó, 196 km đê, 105 cống và 40 kè hộ bờ và chống sóng trên toàn tỉnh đã tạo thành hành lang vững chắc vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ phòng, chống thiên tai vừa phục vụ nhu cầu đi lại và bảo đảm an toàn cho người dân.  

Hướng về phía con đê kiên cố chạy dài bên bờ sông Đuống, bà Khúc Thị Hạnh, người dân phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhớ lại những năm trước mỗi khi mùa mưa bão đến, gia đình bà cùng nhiều hộ dân ven sông luôn nơm nớp lỗi lo đê vỡ, kéo theo đó là sự mất an toàn của người và vật nuôi, cây trồng. Từ ngày hệ thống đê điều của địa phương được kiên cố, người dân ven sông rất phấn khởi và không còn thấp thỏm lo lắng mỗi mùa mưa lũ.

Anh Nguyễn Xuân Cường ở phường Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cũng chia sẻ, từ khi đê điều được cứng hóa người dân sống ven đê rất mừng và yên tâm làm ăn. Đặc biệt, chính quyền địa phương năm nào cũng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. 

Ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, căn cứ vào các văn bản của Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản về duy tu bảo dưỡng đê điều. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên chỉ đạo lực lượng chuyên trách quản lý đê điều kiểm tra, theo dõi diễn biến tình trạng đê điều nhằm phát hiện kịp thời những sự cố đê điều để khắc phục ngay. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cũng cho hay, hàng năm, tỉnh Bắc Ninh đều có đánh giá, kiểm tra hiện trạng công trình chống lũ, chống úng, chủ động tu bổ sửa chữa những hư hỏng phát sinh nằm ngoài kế hoạch tu bổ được giao. Đặc biệt, tỉnh giành số lượng lớn kinh phí cho hoạt động này, mỗi năm Bắc Ninh giành khoảng 100 tỷ đồng cho hoạt động duy tu bảo dưỡng.

Hành động sớm - chủ động trước thiên tai

Để chủ động đối phó với thiên tai bất thường có thể xảy ra trong năm 2024, tỉnh Bắc Ninh thực hiện phương châm "hành động sớm - chủ động trước thiên tai" nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Căn cứ hiện trạng công trình trước lũ năm 2024, tỉnh Bắc Ninh xác định 15 trọng điểm chính; trong đó có 6 trọng điểm cấp tỉnh và 9 trọng điểm cấp huyện. Ngoài 15 trọng điểm này, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã rà soát các điểm xung yếu và phân giao trách nhiệm cho các xã, phường ven đê dự kiến tình huống sự cố có thể xảy ra, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thiết yếu, chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra.

Chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm nay, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngay từ đầu tháng 5, chính quyền và nhân dân thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai các giải pháp; xây dựng kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ đến từng thành viên. Chủ động theo phương châm 4 tại chỗ và những phương án phòng chống lụt bão được xây dựng sát thực là yếu tố quan trọng để Thuận Thành ứng phó hiệu quả với các tình huống mưa bão xảy ra trên địa bàn.

Thị xã Thuận Thành hiện có khoảng 15 km đê hữu Đuống và gần 10 km đê bối. Hàng năm, công tác tu bổ, nâng cấp luôn được địa phương quan tâm, đầu tư. Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, định kỳ hằng năm thị xã tổ chức diễn tập quy mô cấp xã. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Cùng với các đơn vị chức năng, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão, đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp, năm 2024, Điện lực Thuận Thành đã chủ động bảo dưỡng, sửa chữa các vị trí cột, trạm biến áp; chủ động lập phương án diễn tập xử lý khi có sự cố về mưa lũ; đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm tiêu hoạt động 24/24 giờ.

Ông Vương Chí Kiên, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Thuận Thành cho biết, mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ thị xã Thuận Thành đã yêu cầu các cấp, ngành khi có bão, lũ phải ứng trực, tuần tra nghiêm túc, nắm chắc diễn biến từng đợt lũ, bão để phát hiện xử lý kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các xã, phường thành lập các đội xung kích với lực lượng hơn 1.000 người và các đội thông tin hỏa tốc tại 18 xã, phường trên địa bàn.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh, tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2024 là giữ vững hệ thống đê sông chính gồm các tuyến: tả, hữu sông Đuống; hữu sông Cầu; hữu sông Thái Bình; hữu sông Cà Lồ với mức lũ thiết kế. Khi có lũ vượt mức thiết kế, tỉnh tập trung mọi nguồn lực cao nhất để hộ đê, đồng thời triển khai các phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, của nhân dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại.

Đối với các tuyến đê bối, Bắc Ninh kiên quyết không để vỡ bối đột ngột vào ban đêm làm ảnh hưởng đến đê chính và nhân dân sống trong vùng bối. Cùng với đó, các đơn vị liên quan chủ động kịp thời tiêu nước đệm, bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra, hạn chế đến mức tối đa diện tích úng ngập mất trắng, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Nguồn bài viết