An Giang quan trắc xâm nhập mặn tại 8 điểm để cảnh báo sớm

8 tháng trước 66
Chú thích ảnhCống Kênh 4 ven biển trên địa bàn ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), đang đóng kín ngăn mặn xâm nhập. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Để phòng chống hạn, mặn trên địa bàn tỉnh, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn An Giang triển khai quan trắc xâm nhập mặn đối với 8 điểm tại huyện Thoại Sơn và Tri Tôn nhằm làm cơ sở cảnh báo kịp thời địa phương trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong khu vực.

Theo ông Khanh, An Giang cũng đang đẩy mạnh nạo vét kênh mương, sửa chữa cống để tạo nguồn nước và tích trữ nước phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô; triển khai các phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô; tăng cường tuyên truyền về kết quả quan trắc nguồn nước, độ mặn và tình hình khí tượng, thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để địa phương và người dân chủ động ứng phó.

Để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, kiệt phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh trong mùa khô, UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu các ngành chức năng triển khai phòng, chống hạn kiệt; trong đó UBND tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, kiệt mùa khô phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn và tình hình hạn hán, thiếu nước, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đồng thời xác định nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu như: sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,... và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô 2024.

"Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương ảnh hưởng bởi khô hạn, xâm nhập mặn yêu cầu các đơn vị cấp nước trên địa xây dựng quy trình và tổ chức phương án sẵn sàng ứng phó khi xảy ra hạn, kiệt thiếu nước và mất an toàn cấp nước. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước, nhất là vùng cao của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên", bà Thuý cho biết.

UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh phối hợp với UBND các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Chi cục Kiểm lâm tỉnh trong việc xây dựng và ban hành kế hoạch lấy nước từ hồ chứa do Công ty Quản lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô. 

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi thực hiện quản lý vận hành đóng, mở hợp lý hệ thống cống để trữ nước vào hệ thống kênh đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh ở từng khu vực, thời điểm sản xuất; chủ động bơm nước vào những thời điểm triều cao để bơm nước; trong đó ưu tiên tổ chức nạo vét kênh mương, cửa lấy nước để khơi thông dòng chảy; chủ động tích nước trong các ao, hồ, vùng trũng thấp, kênh rạch; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy lợi sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, sử dụng các thiết bị để tích, trữ nước…

Theo dự báo, diễn biến xâm nhập mặn vùng giáp ranh giữa hai tỉnh An Giang - Kiên Giang tại các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn (thuộc tỉnh An Giang) phụ thuộc vào nguồn nước từ sông Hậu chảy vào và quá trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên.

Thông qua vận hành các cống kiểm soát mặn và đập tạm ngăn mặn của tỉnh Kiên Giang, dự báo độ mặn tại 8 trạm đo trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn (4 trạm) và Thoại Sơn (4 trạm), độ mặn cao nhất có khả năng ở mức từ 0,1 - 0,3‰ trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2024.

Mùa khô 2024, dự báo mực nước trên các kênh, rạch tại An Giang xuống thấp kèm theo nắng nóng sẽ gây khó khăn cho việc bơm tưới, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các huyện vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Khô hạn cũng gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ cho các hộ dân ở vùng cao ven các đồi núi, vùng đồng bằng 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn do chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt hiện đang sử dụng nước mưa, giếng...

Nguồn bài viết