9 công nhân lao động Thủ đô vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV

1 năm trước 87

Đây là những công nhân, kỹ sư, kỹ thuật viên tiêu biểu, giỏi trong lao động sản xuất, được giải cao trong các kỳ thi tay nghề, thợ giỏi trong nước và quốc tế, đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của doanh nghiệp; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, đào tạo đồng nghiệp, nhận được nhiều bằng công nhận sáng kiến của các cấp, ngành và thành phố Hà Nội.

Chú thích ảnhTôn vinh 167 công nhân vượt khó, xuất sắc làm lợi làm lợi 2.787 tỉ đồng. Ảnh: XL/Báo Tin tức

Nỗ lực tìm tòi - ra nhiều sáng kiến

Đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toyota Boshoku Hà Nội, mọi người đều biết tới công nhân trẻ Nguyễn Văn Thảo - người luôn dành trọn tâm huyết với công việc, đam mê tìm tòi, liên tục đưa ra những sáng kiến, cải tiến mới được ghi nhận, áp dụng vào dây chuyền sản xuất, qua đó, lan tỏa tinh thần thi đua lao động sản xuất. Đặc biệt, anh là chủ nhân của sáng kiến "Cải tiến nâng cao chất lượng, giảm độ khó thao tác may dựa vào cữ cải tiến" đã làm lợi cho công ty hơn 800 triệu đồng. 

Làm việc tại Tổ Sửa chữa – Phòng kỹ thuật Công ty, anh Thảo luôn nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc. Xuất phát từ sự đam mê với nghề và đức tính chịu khó tìm tòi, sáng tạo, anh thường xuyên nghiên cứu để đưa ra những sáng kiến thiết thực, vừa làm lợi cho công ty, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, lại rút ngắn thời gian sản xuất. 

Từ tính thiết thực, hiệu quả cao, sáng kiến của anh Thảo đã được cấp Công ty, cấp khối Asean và cấp Tập đoàn TBJ công nhận, khen thưởng; đồng thời đạt giải Nhất khối ASEAN, giải Nhất toàn cầu do Tập đoàn Toyota Boshoku tổ chức. Năm 2022, anh còn được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô"; danh hiệu "Sáng kiến, sáng tạo"...

Hơn 12 năm gắn bó với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamaha Motor Việt Nam, anh Nguyễn Quang Nghị luôn nỗ lực trong công việc, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhờ vận dụng tốt những kiến thức đã học tại Trường Trung cấp chuyên ngành Hàn điện và kiến thức thực tế được đào tạo trong quá trình làm việc, anh Nghị đã có nhiều sáng kiến cải tiến góp phần tăng năng suất lao động, mang lại giá trị làm lợi lớn cho công ty. Tiêu biểu như sáng kiến "Xe để thùng dây hàn CO2", có giá trị làm lợi khoảng 150 triệu đồng; hay sáng kiến "Giá để chi tiết linh kiện", làm lợi khoảng 100 triệu đồng…

Chia sẻ về các sáng kiến của mình, anh Nghị cho biết, làm việc trực tiếp tại dây chuyền sản xuất, từ những điểm chưa hợp lý, gây khó khăn cho công nhân, làm giảm năng suất lao động và có nguy cơ mất an toàn, anh đã chủ động tìm tòi, đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm giảm sức người, đặc đảm bảo an toàn cho người làm việc.

Không chỉ đóng góp nhiều sáng kiến, với kinh nghiệm, kỹ năng tay nghề của mình, anh Nghị luôn nhiệt tình giúp đỡ, đào tạo các đồng nghiệp nâng cao tay nghề để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền anh Nghị đoạt giải cao ở nội dung thi nghề hàn CO2 như: Giải Nhất nghề hàn CO2 tại Hội thi thợ giỏi năm 2022 do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức; giải Nhất, Nhì, Ba nghề hàn CO2 tại Hội thi thợ giỏi năm 2019, 2020, 2022 do Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức; "Công nhân giỏi Thủ đô" năm 2023.

Chú thích ảnhNguyễn An Ngọc, công nhân Công ty CP Tomeco An Khang vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV. Ảnh: TTXVN phát

Là một trong ba kỹ sư được cấp chứng chỉ tay nghề quốc tế của Công ty Cổ phần Tomeco An Khang, anh Nguyễn An Ngọc - Tổ trưởng tổ hàn 2 cũng không ngừng cố gắng, nỗ lực mỗi ngày để trau dồi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề với mong muốn cho ra những sản phẩm hoàn hảo.

Sáng kiến "Chế tạo cơ cấu gá - kẹp, xoay cho sản phẩm cánh Flywheel" của anh đã giúp công ty giảm được tỷ lệ sản phẩm lỗi cong vênh cánh quạt, giảm nhân công tham gia ép phẳng sản phẩm, loại bỏ hoàn toàn nguy cơ rủi ro mất an toàn liên quan đến vật nặng rơi, va đập, chấn thương chân tay khi thao tác, tiết kiệm các chi phí sản xuất.

Đối với anh Ngọc, dù trong công việc và cuộc sống gặp không ít khó khăn, nhưng anh biết điều tiết bản thân giữ tinh thần lạc quan, hướng tới những điều tốt đẹp. Anh luôn vận dụng kiến thức đã học trong trường nghề, sắp xếp quỹ thời gian hợp lý để tham gia các khóa đào tạo kỹ năng tay nghề; vừa học, vừa quan sát, vừa làm để có thể tiếp cận máy móc, thiết bị mới nhất hiện nay. Tay nghề vững, kỹ thuật cao, anh Nguyễn An Ngọc đã đạt giải Nhất nghề Hàn Tig trong Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội năm 2019, 2022; "Công nhân giỏi Thủ đô" năm 2020, 2023. 

Phấn khởi, tự hào về những thành tích đã đạt được, nhưng khi được hỏi về bí quyết để trở thành một thợ hàn giỏi nghề, anh Ngọc cho rằng yếu tố quan trọng nhất là người thợ phải có tình yêu với công việc, luôn chịu khó học hỏi, rèn luyện. "Nếu có cơ hội, tôi luôn phấn đấu làm tốt nhất công việc được giao, tích cực tham gia hội thi thợ giỏi các cấp. Đó chính là cơ hội để công nhân được cọ xát, rèn luyện thêm tay nghề. Khi giỏi nghề, chúng tôi sẽ có công việc và mức thu nhập ổn định, đồng thời cũng đóng góp hữu ích cho sự phát triển của công ty", anh Nguyễn An Ngọc bày tỏ.

Chú thích ảnhCông nhân Nguyễn Xuân Dũng, Công ty CP FECON vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV. Ảnh: TTXVN phát

Trong số 9 công nhân vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV còn có Kỹ thuật viên Nguyễn Xuân Dũng -  Công ty Cổ phần FECON. Trong quá trình làm việc, anh Nguyễn Xuân Dũng đã đưa ra nhiều giải pháp thi công cọc bê tông ly tâm Dự ứng lực PHC Dự án trang trại điện gió BT1 & BT2 Quảng Bình. Từ việc tìm ra được giải pháp thi công cọc PHC, giải pháp của anh đã đem lại hiệu quả kinh tế cho công ty gần 14 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ đồng/1 trụ). 

Với 10 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp trên 5,5 tỷ đồng, anh Lê Viết Văn - công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lixil Việt Nam là một trong 9 công nhân giỏi Thủ đô được tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm nay. Đáng chú ý, sáng kiến "Thay đổi phương pháp kết dính silicon" là một trong những sáng kiến tiêu biểu, giảm được 28% lượng nguyên liệu sử dụng, chất lượng bề mặt sản phẩm cao, đồng đều. 

Anh Hoàng Văn Thành đến từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam, có 3 sáng kiến làm lợi 47 tỷ đồng. Đó là các sáng kiến: "Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa bằng cải tiến bản vẽ sản phẩm trước khi làm khuôn cho đời máy mới", "Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa khuôn bằng cải tiến bản vẽ thiết kế khuôn của nhà cung cấp", "Giảm chi phí giá sản phẩm thông qua giảm lượng vật liệu đúc của kênh dẫn nhựa thừa ra không tái sử dụng lại được".

Chú thích ảnhCông nhân Nguyễn Văn Tuấn, Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV. Ảnh: TTXVN phát

Một tấm gương công nhân tiêu biểu khác là anh Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn SWCC SHOWA VIỆT NAM. Anh Tuấn cũng có 3 sáng kiến làm lợi cho công ty 14 tỷ đồng, gồm các sáng kiến: "Cải tiến công đoạn cấp trục tự động máy phun sơn", "Máy mài trục tự động, "Máy thảo 2 sản phẩm tự động". 

Chú thích ảnhCông nhân Nguyễn Thiếp Hiệp - Công ty TNHH ToTo Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV. Ảnh: TTXVN phát

Làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn ToTo Việt Nam, anh Nguyễn Thiết Hiệp đã có 4 sáng kiến mang lại giá trị làm lợi cho công ty 3,7 tỷ đồng. Đó là các sáng kiến: "Khắc phục lỗi K32 C776 nâng cao tỷ lệ đạt"; "Giảm năng lượng điện tiêu thụ; "Thu hồi hồ thải khi kéo ống các dây chuyền LW; "Thu hồi hồ thải khi kéo ống các dây chuyền CW". 

Cá nhân còn lại vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV là công nhân Nguyễn Danh Tuyến - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Meiko Việt Nam, với giải pháp cải tiến giảm chi phí lá đồng báo phế có giá trị làm lợi 9,4 tỷ đồng…

Ghi nhận những thành tích và sự nỗ lực cố gắng trên, năm 2022, 9 cá nhân trên đều được tặng Bằng Lao động sáng tạo; Công đoàn viên xuất sắc 5 năm liên tục (2018-2022), danh hiệu "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô"; "Sáng kiến ưu tú"...

Lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua lao động giỏi

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, 15 năm qua, phong trào thi đua "Lao động giỏi" phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" đã được các cấp Công đoàn, công nhân lao động tích cực hưởng ứng, duy trì, phát triển, đã thực sự đi vào chiều sâu, có ý nghĩa. 

Nhiều tấm gương công nhân giỏi hiện hữu trên mọi lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi được tôn vinh xứng đáng. Đây là những công nhân trực tiếp lao động sản xuất, dù ở bất kỳ ở ngành nghề, cương vị công tác nào, họ luôn cần cù, chịu khó, tích cực tìm tòi những sáng kiến cải tiến, đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu các quy trình công nghệ để hợp lý hóa sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, góp phần cùng doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, cải thiện đời sống người lao động, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. 

Có thể thấy, phong trào "Lao động giỏi" phấn đấu trở thành "Công nhân giỏi Thủ đô" đã trở thành phong trào hành động cách mạng của tổ chức Công đoàn Thủ đô; khẳng định được sức ảnh hưởng, tác dụng to lớn đối với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thông qua các hình thức tôn vinh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình say mê và tinh thần trách nhiệm của người lao động. 

Từ thực tiễn phong trào thi đua, Hà Nội có trên 440.000 lượt công nhân đạt danh hiệu "Công nhân giỏi" cấp cơ sở; trên 21.000 lượt "Công nhân giỏi" cấp trên cơ sở. Đáng chú ý, 1.789 " Công nhân giỏi Thủ đô" được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức tuyên dương trang trọng vào dịp Tháng 5 - Tháng Công nhân. Bên cạnh đó, 391.818 lượt công nhân viên chức, lao động đạt danh hiệu "Sáng kiến, sáng tạo" cấp cơ sở, 12.269 lượt "Sáng kiến, sáng tạo" cấp trên cơ sở, có 781 lượt cá nhân được UBND thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội biểu dương "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô". Hàng nghìn công nhân đạt thợ giỏi qua hội thi thợ giỏi do thành phố Hà Nội phối hợp với Công đoàn tổ chức...

Nguồn bài viết