Ứng phó bão số 6: Rà soát các khu vực nguy hiểm, sơ tán người dân đến nơi an toàn

2 tháng trước 32
Chú thích ảnhBộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thắng Trung/TTXVN

Chủ động mọi kế hoạch phòng, chống bão

Chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị rút kinh nghiệm từ bão số 3, các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 6 cần rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu ở khe sông, khe suối, cửa sông, ven biển với phương châm tính mạng con người là trên hết.

Các địa phương kích hoạt các lực lượng phòng, chống thiên tai cấp cơ sở, đặc biệt là vai trò, vị trí của cộng đồng trong quản lý, ứng phó thiên tai để các lực lượng tại cộng đồng hỗ trợ, giúp đỡ người dân ứng phó với bão được kịp thời. Đồng thời, sẵn sàng mọi kế hoạch, kịch bản phòng, chống bão có thể xảy ra, luôn giữ tinh thần ứng phó bão chủ động.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tham mưu thành lập các đoàn công tác đến các địa phương phương chịu ảnh hưởng bão số 6 để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó.

Bão gây mưa lớn ở khu vực miền Trung

Nhận định về diễn biến bão số 6, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, lúc 16 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 116,6 độ Kinh Đông; trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, cách khu vực Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h. Đây là bão có hoàn lưu rộng, vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km.

Bão số 6 có khả năng xảy ra 2 kịch bản.

Kịch bản 1: Bão di chuyển sát đất liền và đi ra. Khu vực ven biển từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 10.

Kịch bản 2: Bão di chuyển vào đất liền Trung Bộ sau đổi hướng đi ra ngoài. Khu vực ven biển từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7 - 9, giật cấp 11  - 12; gió sâu trong đất liền mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc, giữa Biển Đông và ngoài khơi Trung Bộ (bao gồm vùng biển huyện đảo Lý Sơn) sóng cao 7 - 9m.

Khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình - Quảng Trị sóng cao 2 - 4m, Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam 3 - 5m, Quảng Ngãi - Bình Định 2 - 4m.

Khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 12 (89 - 133km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 5 - 7m, vùng gần tâm bão 7 - 9m, biển động dữ dội

Gần sáng 27/10, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 14.

Sóng lớn ảnh hưởng tới tàu, thuyền, khu nuôi trồng hải sản, gây sạt lở đê, kè biển, nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế tới Quảng Nam.

"Từ đêm 26 - 29/10, khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 300 - 500mm, cục bộ có nơi trên 700mm. Nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100 mm/3 giờ. Khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình, Bình Định và Bắc Tây Nguyên mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100 mm/6 giờ", ông Mai Văn khiêm lưu ý

Đề cập đến tình hình lũ, ông Mai Văn Khiêm cho rằng, trên các sông Kiến Giang, Thạch Hãn, lũ lên mức báo động 1, báo động 2; sông Hương lên trên mức trên báo động 2; sông Bồ lên mức báo động 2, báo động 3; sông Vu Gia lên mức báo động 2, báo động 3; sông Thu Bồn lên trên mức báo động 2; sông Trà Khúc, Vệ (Quảng Ngãi) dao động ở mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2.

Các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum lên mức báo động 1. Các sông nhỏ từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi lên mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3.

Với tình hình lũ như trên, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, khu đô thị ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định. Ngoài ra, với kịch bản mưa lớn phổ biến 300 - 500mm, có nơi trên 700mm sẽ có khoảng trên 30 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt như: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy (Quảng Bình); Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà (Quảng Trị); Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế); Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng); Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Núi Thành, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam); Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi); An Lão, Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn (Bình Định).

Chủ động ứng phó bão số 6

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 15 giờ ngày 25/10, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão. Hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.

Chú thích ảnhCác phương tiện tàu, thuyền tỉnh Quảng Bình neo đậu an toàn tại bến. Ảnh: TTXVN phát

Đề cập về tình hình tàu thuyền, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng huy động hơn 200 nghìn người và 100 tàu ở các vùng biển để ứng phó khi có tình huống xảy ra. Bão số 6 rất phức tạp, có thể thay đổi hướng đột ngột, nên các địa phương cần làm tốt công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, địa phương đã quán triệt và triển khai sớm các công điện của cấp trên và của tỉnh theo phương châm "4 tại chỗ". Đến 14 giờ ngày 25/10, tỉnh Quảng Bình còn 41 phương tiện/229 lao động đang hoạt động trên vùng biển ven bờ. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã thông báo, hướng dẫn cho các chủ tàu thuyền trên hướng di chuyển của bão số 6. Hiện, 41 phương tiện trên đang di chuyển vào bờ tránh trú.

Tỉnh Quảng Bình đã huy động 100% lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai trực sẵn sàng xử lý các điểm xung yếu. Nếu có bão đổ bộ hoặc lũ lụt, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, chuẩn bị di dời các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã triển khai kêu gọi tàu thuyền. Hiện, tất cả tàu thuyền của tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn. Trên khu vực vùng biển đảo Cồn Cỏ, không còn tàu thuyền hoạt động trên biển. Chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và tàu thuyền neo đậu tại khu neo đậu của đảo.

Ông Nguyễn Văn Hưng cho rằng, nguy cơ nhất hiện nay là khả năng xảy ra sạt lở đất, do đó tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai các biên pháp ứng phó với bão số 6 trong đó có việc ứng phó với sạt lở đất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nêu rõ, tỉnh đã sử dụng các hình thức tuyên truyền tới người dân về bão số 6; đồng thời kiểm tra, rà soát về thông tin liên lạc, phương tiện, vật chất phục vụ ứng phó bão. Địa phương đã thực hiện cấm biển từ 10 giờ ngày 25/10.

Nguồn bài viết