Ứng phó biến đổi khí hậu: Hành động quyết liệt vì tương lai bền vững

5 ngày trước 7

Theo dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, thiệt hại từ thời tiết cực đoan có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm vào năm 2050. Để bảo vệ tương lai, Bình Dương cần những chiến lược ứng phó kiên quyết và hiệu quả hơn.

Chú thích ảnhXuất hiện cảnh chèo thuyền lạ lẫm tại ngã ba Cống - con phố trung tâm TP Thủ Dầu Một.

Hành động quyết liệt vì tương lai bền vững

Biến đổi khí hậu đã tác động đa chiều khiến cuộc sống người dân Bình Dương gặp nhiều khó khăn. Hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được, lượng mưa lớn bất ngờ, gây ngập úng cục bộ tại đô thị, ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông và sinh hoạt.

Lạ lẫm “ship hàng” bằng thuyền

Chiều thứ Bảy (9/11/2024), trung tâm thành phố Thủ Dầu Một bỗng trở nên khác lạ khi hai thanh niên chèo thuyền giao đồ ăn qua con đường Thích Quảng Đức ngập nước.

Chỉ sau một trận mưa, con đường đông đúc này biến thành “dòng sông” giữa phố, tạo nên cảnh tượng hiếm thấy ở Bình Dương. Những nhân viên của quán bánh B.C.G, chèo thuyền giao hàng cho khách tại ngã ba Cống. Cảnh tượng này vừa hiếm gặp vừa phản ánh tác động của biến đổi khí hậu tại địa phương. Những cơn mưa lớn gây ngập úng, buộc người dân phải thích ứng.

Chị chủ quán bánh canh 289 kiên nhẫn lội nước đưa từng gói đồ ăn cho khách đứng đợi ở khu vực ranh giới, nơi chính quyền đã căng dây ngăn không cho xe qua lại. Với chị và nhiều người dân, ngập lụt đã trở thành một phần của cuộc sống. Mỗi lần mưa đến, họ lại phải thích ứng để mưu sinh.

Chị Phạm Thị Thùy Linh, người bán nệm gối tại ngã ba Cống hơn 10 năm, chia sẻ: “Năm nay nước ngập trầm trọng hẳn, buôn bán khó khăn. Mưa xong nước lên nhanh lắm, dù đã nâng nền cao nhưng nhiều lúc nước vẫn vào nhà”.

Anh Trần Ẩn, một người dân địa phương cho biết: “Thủ Dầu Một vốn cao ráo, việc bị ngập khiến ai cũng bất ngờ. Trước đây chỉ vài chục hộ bị ảnh hưởng, giờ đã lan rộng, hàng trăm căn nhà chịu cảnh ngập sau mỗi trận mưa". 

Biến đổi khí hậu, tần suất gia tăng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, khí hậu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi đáng chú ý: Nhiệt độ trung bình tăng 0,03°C mỗi năm, lượng mưa tăng 17,1 mm/năm, gió mạnh hơn, số giờ nắng giảm. Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng tăng, ngày mưa nhiều hơn, lượng mưa cao nhất trong ngày tăng.

Tại ấp Mương Đào, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, những lô cao su xanh mướt trở thành cánh đồng ngập nước suốt nhiều tháng qua. Từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2024, nước ngập lên đến 50 cm khiến người dân không thể cạo mủ cao su.

Chị Lê Thị Mùi (45 tuổi), nông dân thuê đất trồng cao su ở huyện Bàu Bàng chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi phải chèo thuyền trong lô cao su, cảm thấy rất lạ". Chị cho biết, mùa thu hoạch cao su năm nay đình trệ mấy tháng vì nước ngập đến mép chén thu hoạch mủ.

Giữa cánh rừng cao su vốn khô ráo, cảnh những chiếc thuyền nhỏ được sử dụng để đi kiểm tra cây bị ngập thật hiếm gặp. Đây là sáng kiến của anh Nguyễn Văn Sang (hay còn gọi Bảy Sang), nông dân địa phương. Anh Sang chia sẻ: “Tôi dùng thuyền để vừa bắt ốc vừa kiểm tra cây cối bị ngập”. 

Theo ước tính, thiệt hại do thiên tai tại Bình Dương trong giai đoạn 2013-2022 ước tính trung bình khoảng 37 tỷ đồng mỗi năm. Thiệt hại do biến đổi khí hậu dự báo sẽ tăng lên khoảng 125 tỷ đồng mỗi năm từ nay đến năm 2030. Đến năm 2050, thiệt hại ước tính sẽ lên tới khoảng 2.539 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi hiểu rõ những khó khăn mà người dân ở khu vực bị ngập đang phải đối mặt. Hiện tỉnh đã và đang triển khai các dự án nâng cấp hệ thống thoát nước, xây dựng công trình phòng, chống triều cường và cải thiện hệ thống thoát nước đô thị, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm như suối Siệp và ngã ba Cống”.

Chú thích ảnhCông trình chống ngập khu vực ngã ba Cống đang bị "nghẽn" do vướng mặt bằng. 

Về tình trạng ngập tại suối Siệp, ông Tuấn cho biết, phần suối phía Bình Dương đã được mở rộng và hoàn thiện nhưng phần cuối suối thuộc tỉnh Đồng Nai chưa được đầu tư do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Do đó, mỗi khi mưa lớn, nước từ Bình Dương đổ về nhanh nhưng bị ứ lại, dẫn đến ngập nghiêm trọng.

Còn điểm ngập tại ngã ba Cống, đại diện Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, dự án cải thiện hệ thống thoát nước khu vực này đã được phê duyệt từ năm 2021 và khởi công vào tháng 5/2023. Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công việc, trong đó các hạng mục quan trọng như cống qua đường Thích Quảng Đức và cầu Bà Hên đã hoàn thiện.

Kênh Thầy Năng, nhiệm vụ thoát nước cho điểm ngập ngã ba Cống được mở rộng từ 3m lên hơn 13m, tăng gấp 4,3 lần khả năng thoát nước. Tuy nhiên, dự án đang vướng do một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Do đó, công trình này dự kiến đến tháng 12/2024 mới hoàn thành.

Tiếp theo: Giải bài toán thoát nước trong “cơn lốc” đô thị hóa

Nguồn bài viết