Ứng dụng các công nghệ mới về đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia

4 tháng trước 63
Chú thích ảnhẢnh minh họa: TTXVN phát

Với việc phát triển các chương trình số hóa, dữ liệu địa không gian là dữ liệu đầu vào cho các lĩnh vực, các ngành, các cấp trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Nhiều ứng dụng trong ngành tài nguyên và môi trường

Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia gồm 7 gói dữ liệu cơ bản (Dữ liệu địa hình, dữ liệu thủy văn, dữ liệu giao thông, dữ liệu lớp phủ thực vật, dữ liệu dân cư, dữ liệu về địa giới hành chính, dữ liệu cơ sở đo đạc).

Với đặc tính dãy tỉ lệ lớn, có mức độ chi tiết cao về không gian, kèm theo các thuộc tính của đối tượng được thu nhận ở mức độ tối đa đã đảm bảo yêu cầu tối đa khai thác thông tin của nhiều bộ, ngành góp phần quan trọng trong hoạt động quản lý, thiết kế, thi công của các ngành khảo sát, thành lập các bản đồ chuyên đề, chuyên ngành của các lĩnh vực. Cùng với đó, tùy theo quy mô lãnh thổ và tỉ lệ của cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia mà các địa phương ứng dụng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia trong quản lý lãnh thổ, quản lý hành chính, quản lý xã hội.

Thông tin không gian địa lý cũng đóng vai trò quan trọng đối với quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Dữ liệu nền địa lý làm cơ sở để hỗ trợ công tác đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, hiện trạng môi trường các cấp, quản lý các hệ sinh thái, bảo tồn và phát triển bền vững cảnh quan tự nhiên; hỗ trợ xác lập các trạng thái khí hậu, khí tượng, các quá trình thời tiết trong không gian và vùng lãnh thổ. Có dữ liệu địa lý sẽ giúp cho việc xác định phạm vi tác động ở từng địa phương, vùng lãnh thổ do biến đổi khí hậu, phạm vi nước biển dâng, đánh giá rủi ro thiên tai, tính dễ bị tổn thương của các hệ thống sinh thái... và còn có vai trò trong nhiều ứng dụng trong ngành tài nguyên và môi trường.

Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập với sự phát triển của thế giới, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện các mô hình tăng trưởng mới như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, Net Zero và chuyển đổi số. Với nhiều khả năng nổi trội, công nghệ và dữ liệu địa không gian đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu các mô hình tăng trưởng mới của đất nước. Trong đó, việc quản lý và giám sát hiện trạng và sự biến động các thành phần tài nguyên và môi trường là yếu tố then chốt góp phần thực hiện các mô hình tăng trưởng xanh.

Đề xuất các giải pháp ứng dụng hiệu quả công nghệ và dữ liệu địa không gian

Giáo sư, Tiến sỹ Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam cho rằng, các chuyên gia công nghệ địa không gian cần nghiên cứu lựa chọn và khai thác các loại hình công nghệ hiện đại, phù hợp phục vụ công tác thu thập, quản lý, phân tích, hiển thị và chia sẻ thông tin theo không gian và thời gian thực, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hành trình thực hiện mục tiêu các mô hình tăng trưởng góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Công nghệ “Trí tuệ nhân tạo không gian địa lý”(GeoAI), một công nghệ đang phát triển nhanh chóng với nhiều hướng đi khả thi cho các ứng dụng cao cấp góp phần xử lý dữ liệu cho ngành đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Minh, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, trí tuệ nhân tạo không gian địa lý là một công nghệ đòi hỏi người tham gia có trình độ chuyên sâu và cao, sử dụng các công cụ gồm các thuật toán phức tạp và các kỹ thuật đòi hỏi sự sáng tạo của riêng từng người xây dựng mô hình.

Để ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo không gian địa lý đòi hỏi các cơ quan thành lập bản đồ phải tạo dựng được một môi trường làm việc chuyên nghiệp, từ điều kiện hạ tầng đến định hướng nghiên cứu, đảm bảo không tụt hậu so với xu thế phát triển trí tuệ nhân tạo hiện nay, thậm chí cần phải đi trước một bước, đưa trí tuệ nhân tạo không gian địa lý như một nền tảng cho các chuyên ngành khác phát triển.

Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27/3/2023. Chiến lược đã đề cập tới việc lựa chọn ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ lõi như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Đây chính là định hướng quan trọng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Nguồn bài viết