Các nội dung trong sách được giảng lại thông qua hình ảnh các nhân vật lịch sử nổi tiếng như triết gia Aristotle - Ảnh: Prof Jim
Thú vị ở chỗ, các nội dung này được giảng lại thông qua hình ảnh các nhân vật lịch sử nổi tiếng như triết gia Aristotle, nhà thám hiểm Sacagawea hoặc các giáo viên đương đại.
Được đồng sáng lập và lãnh đạo bởi Deepak Seka, một tiến sĩ đồng thời là doanh nhân người Ấn Độ, công ty khởi nghiệp này nhắm đến việc tận dụng xu hướng học tập dựa trên video.
Các nhà xuất bản sách giáo khoa có thể sử dụng Prof Jim với mức giá hợp lý nhằm sản xuất nội dung video cho tài liệu của họ.
"Có hàng trăm ngàn sách giáo khoa ngoài kia", Sekar nói và cho rằng nếu có thể chuyển đổi sách giáo khoa thành video, đó là một cơ hội thị trường cực kỳ hấp dẫn. Theo Sekar, chi phí để tạo nội dung video cho sách giáo khoa tùy thuộc vào độ dài của clip.
Nền tảng Prof Jim từ chối chia sẻ thông tin về giá cụ thể nhưng cho biết họ sẽ cung cấp dịch vụ với giá thấp hơn 1/10 so với chi phí sản xuất một video tương tự.
Để tạo video, công ty xuất bản sẽ gửi sách giáo khoa PDF cho Prof Jim, nơi Sekar và các cộng sự dùng AI quét tệp PDF, tự động tạo các trang trình bày, tạo lệnh để nhân vật đại diện đọc kiến thức thông qua video. Toàn bộ quá trình hoàn tất trong vòng chưa đầy 30 phút.
Tính đến nay, Sekar và những người đồng sáng lập (Pranav Mehta và Maria Walley) đã huy động được 1,5 triệu USD tiền đầu tư. Công ty khởi nghiệp của họ đang được định giá khoảng 8 triệu USD.
Katelyn Donnelly, người sáng lập và giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Avalanche VC, đồng thời là cựu giám đốc điều hành của nhà xuất bản sách giáo khoa nổi tiếng Pearson, đã rất ấn tượng với Prof Jim.
Theo ông, Sekar đang ứng dụng AI vào một lĩnh vực thực sự không có nhiều hoặc không sử dụng công nghệ một cách hiệu quả.
Sekar là nhà phát minh giỏi với hơn 200 bằng sáng chế, hiện đang sống tại Bay Area (Mỹ). Ý tưởng về Prof Jim ra đời trong lúc dịch COVID-19 diễn ra và hai con gái 7 và 10 tuổi của anh phải học trực tuyến tại nhà.
Con gái út kể với cha rằng lớp học trực tuyến nhàm chán. Anh đã thử ngồi học cùng con và thấy công nghệ sử dụng cho học trực tuyến khá đơn giản.
Ngay cả trước khi đại dịch giúp hình thức học trực tuyến thành xu hướng, giới trẻ ngày càng ưa chuộng các công cụ học tập qua video.
Một nghiên cứu năm 2018 của Pearson cho thấy chỉ có 47% thế hệ Z thích học bằng sách giáo khoa so với 60% của thế hệ trước kia. Cạnh đó, 59% bạn trẻ thế hệ Z chọn YouTube làm công cụ học tập.