TS Nguyễn Trần Phi Yến (phải) giao lưu với khách mời trong một hoạt động giao lưu miễn phí - Ảnh: VINH SAN
Tận dụng mạng xã hội, bạn Đức Duy (ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) làm clip giới thiệu những kiến thức về âm nhạc.
"Tôi hay chia sẻ về âm nhạc, về cách hát và đàn guitar vì đại dịch khiến sinh viên có khá nhiều thời gian trống, đồng thời đây cũng là một trải nghiệm giải trí, thể hiện giá trị mới mẻ cho bản thân.
Đức Duy
Làm clip chỉn chu, đăng miễn phí
Đức Duy cho biết: "Tôi hay chia sẻ về âm nhạc, cách hát và đàn guitar vì đại dịch khiến sinh viên có khá nhiều thời gian trống, đồng thời đây là một trải nghiệm giải trí, thể hiện giá trị mới mẻ cho bản thân". Và anh chàng có nick Dusty1709 trên thừa nhận bạn không chỉ trình diễn mà còn tranh thủ học được nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích như nấu ăn, kiến trúc...
Rất bận rộn vì là nghiên cứu sinh năm cuối tại Úc, bạn Nguyễn Duy Duy (ĐH Sydney) vẫn cần mẫn thực hiện nhiều hoạt động giao lưu trực tuyến miễn phí cho giới trẻ Việt. Có lợi thế là thành viên lâu năm của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (hoạt động do Trung ương Đoàn tổ chức), Duy Duy đã thực hiện được 18 hội thảo trực tuyến, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trẻ, gương mặt tài năng...
"Chúng tôi dùng tài khoản premium (tạm dịch: cao cấp) của trường trên Zoom để thực hiện nên không tốn chi phí cho cả người tổ chức lẫn các cá nhân tham gia, chứ bình thường thì những hoạt động quy mô lớn sẽ tốn phí cho cá nhân tổ chức. Hầu hết các hội thảo đều nhanh chóng hết chỗ, đông đảo người đăng ký" - Duy Duy nói.
Tưởng cho, hóa ra nhận
Theo Duy Duy, những trở ngại lớn cho việc thực hiện các clip chia sẻ tri thức miễn phí là người thực hiện dễ nản lòng vì "khâu hậu cần" khá nhiều bước.
"Đầu tiên, chúng tôi phải chọn chủ đề thu hút sự quan tâm nhiều người, đồng thời phải có ý nghĩa. Kế đến là quảng bá để thu hút người tham gia, rồi trao đổi với diễn giả khách mời vì hoạt động không có lợi ích về kinh tế trong khi mình cũng không thuộc tổ chức chính thống nào", Duy thông tin. Nhưng chính các thử thách trên đã góp phần trau dồi nhiều kỹ năng ở bạn.
Còn với tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến (giảng viên ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM), bạn thừa nhận bản thân không quá rành về kỹ năng số nên thường chọn dùng các nền tảng có giao diện đơn giản và dễ dùng nhưng vẫn đảm bảo hình ảnh, âm thanh sắc nét.
Tranh thủ mùa hè không có nhiều lớp, bạn vừa thực hiện chuỗi hoạt động chia sẻ về cuộc sống và công việc trên nền tảng Fan8. Gần đây nhất, bạn và khách mời là một nhà hoạt động môi trường đã giúp người xem hiểu hơn về chủ đề bảo tồn động vật hoang dã một cách sinh động, thông qua nhiều câu chuyện, hình ảnh...
"Hiện nền tảng trên tài trợ gần như hoàn toàn các hoạt động giải trí, học thuật có tính cộng đồng nên tôi cố gắng tận dụng. Đúng là các hoạt động ngoài đời thực sẽ có "điểm cộng" về khơi gợi cảm xúc của người tham gia, nhưng ở hoạt động giao lưu trực tuyến, đối với các cá nhân hay ngại sẽ có khoảng không gian để bày tỏ ý kiến bản thân, do đó tương tác hóa ra tốt hơn. Nhờ khách mời của mình, không chỉ các bạn trẻ mà chính tôi cũng học được nhiều kiến thức, chưa kể việc phổ cập công nghệ", Phi Yến bật cười, chia sẻ.
"Tôi nhận về khá nhiều phản hồi, từ đó biết kỹ năng trình bày của mình có ưu điểm và hạn chế gì. Ngoài ra tôi được người xem giới thiệu một số đầu sách, trang tham khảo các kiến thức liên quan đầy mới mẻ và đa dạng" - Quỳnh Anh, một bạn trẻ thích làm podcast và đăng clip kỹ năng, nói.
"Bí kíp" tổ chức giao lưu online quy mô lớn
Đầu tiên các bạn cần chuẩn bị nội dung, kịch bản chương trình thật chi tiết, phân công nhiệm vụ, vai trò của từng cá nhân trong sự kiện online đó một cách rõ ràng. Kế đến, chuẩn bị một chiếc máy tính và đường truyền Internet ổn định là đã có thể bắt đầu sự kiện trực tuyến. Các sự kiện cần tương tác giao lưu, các bạn cũng nên kiểm tra đường truyền mạng bên phía khách mời để đảm bảo tính kết nối ổn định.
TS William H.Nguyễn (chủ tịch ứng dụng Quickom)