Ấn Độ muốn hợp tác cùng Việt Nam hồi phục sau dịch

2 năm trước 425
Ấn Độ muốn hợp tác cùng Việt Nam hồi phục sau dịch - Ảnh 1.

Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam lần thứ 2 tại TP.HCM ghi nhận nhiều thông tin mới sau thời gian doanh nghiệp hai nước bị gián đoạn vì đại dịch - Ảnh: HẢI KIM

Diễn đàn năm nay thảo luận về 6 lĩnh vực quan trọng, bao gồm: kỹ thuật, công nghiệp hỗ trợ, kỹ thuật số, thương mại điện tử, bán lẻ và nông sản. 

Đây là sự kiện lớn giữa hai nước sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thu hút sự tham gia của 300 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông sản và chế biến thực phẩm…

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, ông Pranay Verma - đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam - cho biết nước này đang nỗ lực vươn lên khỏi bóng đen của COVID-19 với mục tiêu tăng trưởng khoảng 8 - 8,5% trong giai đoạn 2021 - 2022, trở thành nền kinh tế lớn có tăng trưởng nhanh của thế giới. Để đạt điều này, Ấn Độ sẽ có một số cải cách táo bạo trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, giáo dục, lao động nhằm hấp dẫn các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. 

"Đại dịch đã thay đổi đáng kể bối cảnh kinh tế, là cơ hội cho doanh nghiệp hai nước xem xét lại lộ trình phát triển, trong đó có tái tư duy quá trình hợp tác để kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là thời điểm hoàn hảo để hai quốc gia tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn", ông Pranay Verma nói. 

Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam lần đầu tiên đạt mức hơn 13 tỉ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ 2020. Cả hai cùng kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 15 tỉ USD trong năm 2022. Mặc dù đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong thương mại giữa hai nước vài năm qua, song vẫn còn tiềm năng chưa được khai thác trong thương mại và đầu tư. 

Bà Sumita Dawra - tổng cục trưởng chuyên trách Cục Xúc tiến công nghiệp và nội thương Ấn Độ (DPIIT) - cho biết có nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp cả hai nước có thể hợp tác thúc đẩy phát triển như sản xuất sắt thép, da giày, bông sợi. Thông qua đó, cùng tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Một lĩnh vực khác mà cả hai nước đều có thế mạnh và đang quan tâm phát triển là sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. 

Tính đến tháng 2-2022, Ấn Độ đứng thứ 25/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 315 dự án còn hiệu lực, tổng vốn hơn 918 triệu USD. Còn Việt Nam đang có 9 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn hơn 6 triệu USD, chủ yếu là bán buôn bán lẻ. 

Diễn đàn nằm trong chuỗi các hoạt động do Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức trong năm 2022, nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam và kỷ niệm 75 năm Ngày độc lập của nước Cộng hòa Ấn Độ.

 Nhập khẩu hàng điện tử từ ASEAN giảm sau khi siết chặt quy định về xuất xứẤn Độ: Nhập khẩu hàng điện tử từ ASEAN giảm sau khi siết chặt quy định về xuất xứ

Ấn Độ ghi nhận sự sụt giảm kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phần cứng điện tử từ các đối tác mà nước này có FTA, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Nguồn bài viết