Ấn Độ làm gì khi có nhiều người chết vì selfie mạo hiểm?

3 năm trước 339
Ấn Độ làm gì khi có nhiều người chết vì selfie mạo hiểm? - Ảnh 1.

Giới trẻ chụp ảnh "tự sướng" tại lễ hội ném bột màu Holi, ngày 28-3 - Ảnh: AFP

Trên khắp thế giới, đôi lúc hành động đơn giản là tự chụp lại hình ảnh của chính mình lại trở thành hành động nguy hiểm chết người. Những cái chết trong lúc selfie tập trung nhiều ở Ấn Độ, nơi những năm gần đây được mệnh danh là "thủ đô selfie tử thần của thế giới".

Theo báo South China Morning Post, đầu tháng này có 2 thiếu niên chết đuối dưới ao trong lúc đang selfie ở thành phố Agra, phía bắc đất nước.

Ở bang miền đông Orissa, một phụ nữ 27 tuổi đã chết đuối trên sông sau khi trượt chân ngã trong lúc selfie. Tại nơi khác ở Orissa, một học sinh 13 tuổi chết cháy sau khi vướng vào dây điện cao thế trong lúc selfie trên đỉnh một đoàn tàu đang chạy.

Vì sao nhiều người chết?

Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học y tế Ấn Độ phát hiện ra rằng khoảng một nửa trong số 259 trường hợp tử vong do selfie trên toàn thế giới từ năm 2011 đến năm 2017 xảy ra ở Ấn Độ.

Theo đó, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Pakistan là những quốc gia có nhiều ca tử vong liên quan đến selfie nhất. Hầu hết tai nạn là do chết đuối, bị tàu hay ôtô đâm hoặc ngã từ trên cao.

Các chuyên gia cho rằng chứng nghiện chụp ảnh "tự sướng" ở Ấn Độ có 2 nguyên do: văn hóa xã hội và sự mới lạ của điện thoại thông minh (smartphone).

Ấn Độ có tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới với số lượng người dùng ước đạt hơn 760 triệu người trong năm nay, theo số liệu từ Statista.

Rita Joshi, giáo sư xã hội học tại Đại học Delhi, cho biết Ấn Độ là quốc gia có ý thức về phân chia tầng lớp trong xã hội rất cao. Trong đó, việc chụp ảnh selfie mang đến cho tầng lớp trung lưu đầy khát vọng một cách độc đáo để thể hiện bản thân.

Giáo sư Rita Joshi cho rằng những lời khen và lượt thích trên mạng xã hội là cách dễ dàng để giới trẻ kết nối với thế giới, nhất là phương Tây, nơi có phong cách sống mà giới trẻ muốn hướng đến.

Những người nổi tiếng ở Ấn Độ cũng góp phần vào xu hướng này. Thủ tướng Narendra Modi cũng hay selfie và wefie (chụp ảnh nhiều người) với các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Giải pháp

Mối lo ngại về tai nạn khi selfie khiến giới chức lo lắng và thúc đẩy các phong trào nhằm giảm bớt nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng.

Ponnurangam Kumaraguru, giáo sư tại Viện Công nghệ thông tin Indraprastha-Delhi, đã tạo ra ứng dụng có tên Saftie để cảnh báo mọi người về địa điểm chụp ảnh tự sướng được nhiều người dùng đánh giá là "nguy hiểm".

Doanh nhân 43 tuổi Deepak Gandhi phát động phong trào SelfieToDieFor, nhằm nâng cao nhận thức về cạm bẫy nguy hiểm của chụp ảnh tự sướng tại những nơi nguy hiểm. Phong trào này lập ra trang web cho mọi người xem video về hậu quả của chụp ảnh tự sướng mạo hiểm, sau đó ký vào cam kết "selfie có trách nhiệm".

Chính phủ cũng không ở ngoài cuộc. Cơ quan quản lý đường sắt sẽ phạt những người selfie mạo hiểm. Cảnh sát Mumbai lập ra các khu vực cấm selfie tại những bãi biển nổi tiếng.

Các chiến dịch này nhắm vào nhóm người từ 19 đến 30 tuổi, đối tượng dễ tử vong do selfie nhất.

Mải selfie trên cầu đường sắt, 2 học sinh lớp 9 tử vongMải selfie trên cầu đường sắt, 2 học sinh lớp 9 tử vong

TTO - Hai học sinh lớp 9 ở Bình Định mải mê selfie thời điểm tàu SE4 chạy nhanh, lực hút mạnh nên hai em mất thăng bằng ngã vào đoàn tàu, tử vong tại chỗ.

Nguồn bài viết