Theo Nikkei, Ấn Độ hôm 15.12 phê duyệt kế hoạch ưu đãi trị giá 760 tỉ rupee (khoảng 9,94 tỉ USD) để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn và màn hình hiển thị trong nước, một nỗ lực để có chỗ đứng lớn hơn trên lĩnh vực điện tử toàn cầu.
Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đưa đất nước đi lên trong chuỗi giá trị điện tử toàn cầu Reuters |
Chính phủ Ấn Độ sẽ hỗ trợ một nửa số tiền trong gói viện trợ cho các dự án sản xuất đủ điều kiện. Trước đó, nước này đã dành ra ngân sách 553 tỉ rupee để thúc đẩy sản xuất hàng điện tử quy mô lớn và 980 tỉ rupee để thúc đẩy sản xuất pin tiên tiến, linh kiện ô tô cùng các sản phẩm viễn thông.
“Chương trình ưu đãi sẽ thúc đẩy gia tăng giá trị nội địa trong sản xuất điện tử và sẽ góp phần đáng kể vào việc đạt được nền kinh tế kỹ thuật số giá trị 1.000 tỉ USD”, trích tuyên bố của chính phủ Ấn Độ
Ấn Độ đã đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô, hàng công nghiệp và dược phẩm, trở thành nhà sản xuất xe hai, ba bánh và thuốc lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, gã khổng lồ châu Á vẫn tụt hậu trong lĩnh vực điện tử, bất chấp tăng trưởng về nhu cầu mạnh mẽ trên thế giới.
Bộ trưởng Điện tử và công nghệ thông tin của Ấn Độ Ashwini Vaishnaw hôm 15.12 nói với các phóng viên rằng kế hoạch hỗ trợ “là quyết định lịch sử được đưa ra bởi Thủ tướng Narendra Modi. Nó sẽ giúp xây dựng hệ sinh thái phát triển hoàn chỉnh chất bán dẫn bao gồm thiết kế, chế tạo, đóng gói và thử nghiệm”.
Theo ước tính của Hiệp hội Di động và Điện tử Ấn Độ, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2021, hàng điện tử chỉ chiếm 4,9% xuất khẩu của Ấn Độ, thấp hơn nhiều so với 33,3% của Trung Quốc và 44,1% của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu hàng điện tử của Trung Quốc cùng năm gấp 81 lần Ấn Độ, trong khi của Việt Nam gấp 11 lần.
Năm 2019, Ấn Độ đã công bố Chính sách quốc gia về điện tử nhằm đưa nước này trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất điện tử, với mục tiêu đạt doanh thu 400 tỉ USD vào năm 2025. Kế hoạch dự kiến sẽ sản xuất trong nước 1 tỉ điện thoại di động vào năm 2025, trị giá 190 tỉ USD.
Hàng loạt ưu đãi được công bố sau đó đã thúc đẩy các nhà sản xuất điện thoại thông minh, bao gồm Apple và các công ty Trung Quốc như Xiaomi và Oppo, cam kết sản xuất ở quốc gia Nam Á. Đối tác sản xuất Đài Loan của Apple là Foxconn và Pegatron đã xây dựng nhà máy ở bang Tamil Nadu. Samsung của Hàn Quốc cũng thiết lập một đơn vị sản xuất màn hình ở bang Uttar Pradesh, như một phần trong kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu năng lực sản xuất trong nước đã khiến các nhà sản xuất ở Ấn Độ tiếp tục phải nhập khẩu linh kiện như chipset, màn hình, mô-đun máy ảnh và cảm biến hình ảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ.
Theo ông Vaishnaw, chính phủ có “lộ trình 20 năm” để tạo ra 85.000 “kỹ sư có trình độ cao và được đào tạo bài bản”. Ông Vaishnaw tuyên bố khoảng một phần năm số kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đến từ Ấn Độ.
“Hầu như tất cả nền kinh tế lớn hiện nay đều đang dành ưu đãi gần 50% vốn cho việc thiết lập nhà máy sản xuất chất bán dẫn và chúng tôi cũng sẽ đưa ra ưu đãi tương tự. Chúng tôi còn cung cấp thêm một lộ trình 20 năm rất rõ ràng, trong đó trọng tâm là tạo ra tài năng, nuôi dưỡng tài năng và đảm bảo rằng khi ngành phát triển, thì sẽ có đủ số lượng kỹ sư được đào tạo rất tốt để thực hiện hành trình đó. Điều này sẽ mang lại cho chúng tôi lợi thế lớn hơn”, ông Vaishnaw nói.