Ấm áp tình người trong tâm dịch - Bài cuối: Vững chắc nơi hậu phương

3 năm trước 278

Cùng với việc tăng cường lực lượng, xây dựng thêm nhiều bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 nơi tuyến đầu, thì nơi hậu phương các lực lượng, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh vận động người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, khoanh vùng phong tỏa, cách ly nơi có trường hợp nhiễm bệnh.

Chú thích ảnhBí thư Quận ủy Quận 3 Phạm Thành Kiên thăm hỏi, tặng quà cho công nhân, người nghèo tại địa phương. 

Nghĩa tình dân quân

Do địa bàn rộng, thành phố Thủ Đức đã thành lập đội hình “Chuyến xe nghĩa tình” theo tiêu chí “Luôn đồng hành và kịp thời cùng công nhân vượt khó”. Ngay trong đợt khởi động chiến dịch, các lực lượng phối hợp đã tổ chức gần 10 “Chuyến xe nghĩa tình” chuyển hàng tấn nông sản, lương thực, thực phẩm hỗ trợ hơn 3.000 công nhân tại các khu nhà trọ với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức, dịch bệnh kéo dài và tiếp tục gia tăng các ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong công nhân lao động. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động, nên đời sống, thu nhập của công nhân bị ảnh hưởng rất lớn. Chính vì thế, hoạt động của “Chuyến xe nghĩa tình” còn nhằm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng, các nhà hảo tâm, chung sức, chung lòng, phát huy tinh thần tương thân tương trợ, giúp người nghèo trong tâm dịch.

“Để những "Chuyến xe nghĩa tình" phát huy hiệu quả, nhanh chóng và đến đúng địa điểm, thành phố Thủ Đức cũng đã khảo sát nhanh, tìm hiểu các trường hợp khó khăn để kịp thời động viên, tìm phương án hỗ trợ, không để trường hợp nào bị ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến thiếu hụt, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội”, bà Nhung chia sẻ.

Tương tự tại Quận 8, Trung tá Nguyễn Văn Vinh, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự quận cũng chia sẻ những nỗ lực của đơn vị khi thực hiện chuyến xe "Nghĩa tình quân dân". Trong lần đầu ra quân, lực lượng vũ trang Quận 8 đã vận chuyển gần 3 tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và trao tận tay các hộ dân trong khu vực phong tỏa, công nhân tại các khu nhà trọ của 16 phường trên địa bàn quận. Trung tá Nguyễn Văn Vinh cho biết, đơn vị nỗ lực mỗi ngày tổ chức 1 chuyến xe "Nghĩa tình quân dân" để bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân có nhu cầu, nhất là những trường hợp khó khăn.

Trong những ngày đầu tháng 8, Công đoàn Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cũng đã tổ chức “Chuyến xe nghĩa tình” gồm nhu yếu phẩm như mì tôm, sữa, xúc xích, cùng một số nhu yếu phẩm khác đến hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Công đoàn cũng đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, công nhân, người lao động trong Tổng Công ty là F0, F1 đang cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Mỹ Thủy, Trường Mầm non Sơn Ca, thành phố Thủ Đức; lực lượng y tế, người lao động đang tích cực sản xuất và tham gia chống dịch cùng công nhân các công ty vệ tinh thực hiện “3 tại chỗ” tại khu vực cảng Tân Cảng - Cát Lái (thành phố Thủ Đức). 

Theo Đại tá Phạm Đức Hùng, Chủ nhiệm Chính trị, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, ngoài hoạt động chuyến xe nghĩa tình thăm hỏi, tặng quà động viên người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, Công đoàn Tổng Công ty đã chủ động "chia lửa" với các lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. “Các phần quà không chỉ có giá trị vật chất mà đó còn là tấm lòng của người chiến sĩ Hải quân, của doanh nghiệp quân đội, thể hiện nét văn hóa nghĩa tình của Tổng Công ty với mong muốn giảm bớt những khó khăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần chung sức đẩy lùi dịch bệnh”, Đại tá Phạm Đức Hùng chia sẻ.

Trước đó, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp cùng quận Tân Phú tổ chức chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” chở thực phẩm gồm: gạo, rau củ quả, dầu ăn, trứng, nước mắm, cùng một số thực phẩm thiết yếu khác gửi tặng 500 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang sinh sống tại các khu phong tỏa. Đây là một trong 10 “Chuyến xe nghĩa tình” đầu tiên được lực lượng vũ trang thành phố triển khai nhanh đến với người nghèo, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các Quận 1, 12, Tân Phú, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm, nghĩa tình dân - quân của lực lượng vũ trang trong việc phối hợp chăm lo nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Niềm tin chiến thắng đại dịch

Chú thích ảnhCác chủ nhà vườn ở Tiền Giang trao tặng hàng tấn thanh long cho công nhân ở trọ, người nghèo trong khu phong tỏa TP Hồ Chí Minh. 

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Nhiều địa phương không chỉ dồn sức cho nơi tuyến đầu mà còn phải bảo đảm ổn định đời sống ở nơi hậu phương.

Ghi nhận ở điểm tiếp nhận tại khoảng sân chung của Liên đoàn Lao động và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận 3 trong buổi sáng đầu tháng 8 cho thấy, lượng xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố lên, xuống tấp nập. Để tránh tình trạng dồn ứ, Quận 3 đã điều động lực lượng tình nguyện cùng cán bộ nhân viên Trung tâm Văn hóa, thể dục thể thao, Thanh tra xây dựng, Ban chỉ huy quân sự, dân quân tự vệ quận... tham gia hỗ trợ xuống hàng; đồng thời liên tục nhắc các phường đến nhận, mang về cho bà con ở địa phương.

Ông Huỳnh Gia Giang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 3 cho biết, trung bình mỗi tuần tại đây tiếp nhận và chuyển từ 40 – 50 tấn lương thực, thực phẩm các loại đến bà con ở 14 phường. “Nếu không có lực lượng tình nguyện hỗ trợ hay cán bộ địa phương kiêm nhiệm nhiều việc cùng lúc trong thời điểm này thì khó hoàn thành nhiệm vụ, nhất là các sản phẩm tươi sống cần đưa đến người dân trong ngày”, ông Giang chia sẻ.

Tương tự, nhiều quận, huyện, lực lượng tình nguyện tuyến sau không chỉ là các ngành, đoàn thể, quân sự, công an, mà còn có cả thầy, cô giáo và công nhân tạm ngừng việc tình nguyện tham gia các hoạt động trợ giúp an sinh xã hội, phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc tiếp nhận, hỗ trợ phân phối lương thực, thực phẩm, các tổ chức đoàn thể - chính trị xã hội tại địa phương còn tuyên truyền vận động các khu phố, tổ dân phố tham gia thu hẹp "vùng đỏ", xây dựng "vùng xanh", mở rộng vùng không có dịch.

Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 từ năm 2020, bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú nhìn nhận, lực lượng tình nguyện giữ vai trò không nhỏ trong việc trực tiếp trợ giúp nhân dân. Hầu hết những người tham gia lực lượng này đều cố gắng thu xếp, hỗ trợ nhau ở nhiều lĩnh vực trong phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. “Khi hậu phương vững chắc, tiền tuyến vững tâm thì cuộc chiến chống đại dịch chắc chắn sẽ sớm thành công”, bà Lan nhấn mạnh.

Hòa trong không khí chung tay cùng chính quyền địa phương phòng, chống dịch, anh Tú, Câu lạc bộ thể thao Hồ Xuân Hương (Quận 3) cùng nhiều anh chị em trong đơn vị tạm gác lại công việc chuyên môn (theo yêu cầu giãn cách xã hội), tình nguyện tham gia đội hình tiếp ứng lương thực, thực phẩm tại địa phương. Thay vì làm công tác quản lý, huấn luyện viên bộ môn thể dục thể thao thì nay anh cùng các đồng nghiệp luôn sẵn sàng có mặt tiếp ứng vận chuyển mỗi khi có điện thoại cần hỗ trợ. “Công việc ở đâu cũng làm, song trong những ngày giãn cách xã hội, làm để phục vụ nhân dân thì điều đó càng có ý nghĩa…”, anh Tú chia sẻ.

Trong thời điểm cả nước đang bước vào cao điểm cuộc chiến chống dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh cũng từng ngày quyết tâm kiểm soát dịch bệnh lây lan, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng; mỗi việc làm tốt, dù nhỏ nhất cũng góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch của cả thành phố.

Sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm của mỗi người dân Thành phố cùng với những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái, san sẻ nghĩa tình của đồng bào cả nước sẽ củng cố vững chắc hơn niềm tin quyết thắng để TP Hồ Chí Minh cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Nguồn bài viết