Đức, Ý, Pháp hoãn tiêm vắc xin AstraZeneca

3 năm trước 305
Đức, Ý, Pháp hoãn tiêm vắc xin AstraZeneca - Ảnh 1.

Một số nước châu Âu đã hoãn tiêm vắc xin của AstraZeneca để xem xét kỹ lưỡng hơn về độ an toàn - Ảnh: Reuters

"Sau khi có báo cáo về sự cố đông máu liên quan đến việc tiêm chủng, Viện Paul Ehrlich thấy cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng hơn", Bộ Y tế Đức cho biết, đề cập tới khuyến cáo của cơ quan quản lý y tế là Viện Paul Ehrlich.

"Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ quyết định những phát hiện mới có ảnh hưởng ra sao đến việc phê duyệt vắc xin (vaccine)", Bộ Y tế Đức cho biết thêm.

"Quyết định hôm nay hoàn toàn là một biện pháp phòng ngừa. Đây là quyết định chuyên môn, không phải chính trị", Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói, đồng thời cho biết ông kỳ vọng vào việc EMA sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới sau khi xem xét các trường hợp đông máu.

Cũng theo ông Spahn, mặc dù nguy cơ hình thành máu đông thấp nhưng không thể loại trừ nguy cơ này.

Theo hãng tin AFP, hãng AstraZeneca nói không có mối liên hệ giữa vắc xin của họ và sự cố đông máu.

Cùng ngày, Pháp và Ý cũng thông báo sẽ hoãn sử dụng vắc xin của AstraZeneca trong lúc chờ hướng dẫn của EMA. 

Đan Mạch và Na Uy đã hoãn từ tuần trước sau khi ghi nhận một số trường hợp đông máu. Iceland và Bulgaria tiếp bước, trong khi Ireland và Hà Lan vừa tuyên bố hoãn vào ngày 14-3.

Động thái của một số quốc gia lớn nhất châu Âu làm gia tăng lo ngại về việc chậm triển khai vắc xin trong khu vực. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung liên quan đến các vấn đề về sản xuất vắc xin.

Tuần trước, Đức cảnh báo họ đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3, Ý thì phong tỏa và các bệnh viện ở thủ đô Paris nước Pháp gần như quá tải.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước không đình chỉ việc tiêm vắc xin trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay đã gây ra 2,7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

"Cho đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy các sự cố là do vắc xin", phát ngôn viên của WHO Christian Lindmeier cho biết.

Vương quốc Anh nói họ không lo ngại về sự an toàn của vắc xin AstraZeneca, trong khi Ba Lan nói họ nghĩ rằng lợi ích của vắc xin lớn hơn bất kỳ rủi ro nào.

Ca tử vong sau tiêm AstraZeneca ở Đan Mạch có Ca tử vong sau tiêm AstraZeneca ở Đan Mạch có 'triệu chứng bất thường'

TTO - Cơ quan y tế Đan Mạch cho biết người phụ nữ 60 tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca có nhiều triệu chứng vô cùng bất thường. Nhiều nước vẫn tiến hành tiêm loại vắc xin này.

Nguồn bài viết