Người dân đi xem bóng chuyền ở Berlin, Đức ngày 24-3, dù các ca bệnh tăng nhanh tại đất nước này - Ảnh: REUTERS
Theo ông Helge Braun - chánh văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nếu số ca bệnh vẫn tiếp tục tăng nhanh, rủi ro là biến thể tiếp theo của virus có khả năng kháng vắc xin có thể xuất hiện, khi đó tất cả sẽ phải đi tìm vắc xin mới và quy trình tiêm chủng phải bắt đầu lại từ đầu.
Dịch bệnh COVID-19 tăng nhanh ở Đức trong những tuần qua chủ yếu do biến thể có khả năng dễ lây hơn của virus chủng mới SARS-CoV-2 và do nhiều biện pháp hạn chế được nới lỏng. Có thể Đức cần áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm ở những vùng có số ca nhiễm cao.
Tương tự, số bệnh nhân dương tính với COVID-19 phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt ở Pháp cũng tăng lên mức cao nhất trong năm nay tính đến ngày 27-3.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn có thể cần được đặt ra, nhưng không xem xét phong tỏa toàn quốc.
Tại Mỹ Latin, chính quyền Panama ngày 27-3 cho biết từ tuần sau, họ sẽ tạm ngừng cho nhập cảnh tất cả những ai từng ở các quốc gia Mỹ Latin trong vòng 15 ngày qua do mới phát hiện một ca nhiễm biến thể mới của virus.
Trong vòng 24 giờ tính đến ngày 28-3, Brazil ghi nhận thêm hơn 3.000 ca tử vong mới do COVID-19 và là ngày thứ hai liên tiếp số ca tử vong vượt mốc 3.000 người. Trong khi đó, số ca mắc mới cùng ở mức kỷ lục là 85.948 ca một ngày.
Tại châu Á, theo UNICEF - Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, cơ chế phân phối vắc xin công bằng cho các nước nghèo có thể nối lại đầy đủ việc nhận vắc xin AstraZeneca từ Viện Serum, Ấn Độ từ tháng 5-2021.
Ngoài ra, sau đó họ có thể tăng cường giao thêm vắc xin. Ban đầu, COVAX dự kiến nhận được 90 triệu liều vắc xin từ Viện Serum Ấn Độ trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, nhưng hiện tại mới chỉ có 28 triệu liều vắc xin được bàn giao.
Cho đến nay, COVAX đã phân phối 32 triệu liều vắc xin cho 61 quốc gia và có 36 quốc gia vẫn đang chờ vắc xin để có thể triển khai tiêm chủng.
Do Ấn Độ ngừng giao hàng nên tiến độ tiêm chủng phòng COVID-19 của Indonesia cũng bị chậm lại trong tháng 4-2021, và chỉ có thể triển khai với khoảng 7 triệu liều vắc xin Sinovac của Trung Quốc. Indonesia là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 ở châu Á.
Ngày 28-3, theo cập nhật của báo Khmer Times, Campuchia ghi nhận thêm 87 ca nhiễm mới, cao hơn chút ít so với số ca nhiễm mới của Thái Lan một ngày trước đó.
Trong khi tình hình dịch bệnh ở một số nước châu Á có vẻ chững lại hoặc giảm nhẹ thì từ ngày 4-4, thủ đô Manila và các tỉnh lân cận của Philippines sẽ phải trở lại với các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn. Philippines vẫn trong cuộc chiến nhằm kiềm chế số ca bệnh tăng, khoảng 9.000 người nhiễm/ngày.
Các biện pháp này bao gồm ngưng nhu cầu đi lại không thiết yếu, không tập trung đông người và không ăn uống tại nhà hàng. Chính quyền cũng sẽ truy vết tích cực và kiểm tra từng nhà để phát hiện các trường hợp có triệu chứng.
Cảnh sát và quân đội sẽ hiện diện để đảm bảo các biện pháp hạn chế được thực thi.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm được ghi nhận ngày 28-3 là 482, giảm so với 505 ca của ngày trước đó. Tuy nhiên, nguyên nhân là do trời mưa lớn và ít người đi xét nghiệm hơn.