Cách đây 20 năm, hai huyện Trảng Bom và Thống Nhất được chia tách từ huyện Thống Nhất (cũ). Qua 20 năm xây dựng và phát triển, từ huyện thuần nông, đến nay, kinh tế hai huyện phát triển năng động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội.
Trảng Bom là huyện nằm vị trí đắc địa ở trung tâm tỉnh Đồng Nai, thuận lợi về giao thông, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 32.700ha, chiếm gần 6% diện tích toàn tỉnh. Những năm gần đây, huyện Trảng Bom có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa thuộc tốp nhanh nhất tỉnh.
Sau 20 năm thành lập, đến nay, huyện đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng trên các lĩnh vực hàng năm đều đạt khá, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân đạt 17,97%/năm. Năm 2004, huyện chỉ có 115 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, đến nay, huyện thu hút 223 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký hơn 3,4 tỷ USD, với 4 khu công nghiệp tập trung và một cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút trên 118 ngàn lao động.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới là tiền đề rất quan trọng để địa phương có thêm động lực phát triển mới. Đến nay, huyện tiếp tục có 10/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và một khu dân cư kiểu mẫu. Huyện đạt 52/63 tiêu chuẩn của thị xã. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đang quyết tâm phấn đấu xây dựng Trảng Bom đạt chuẩn thị xã vào năm 2025.
Tại lễ kỷ niệm, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân huyện Trảng Bom có quyền tự hào về những thành quả đạt được trong 20 năm qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo; khơi dậy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng Trảng Bom ngày càng phát triển.
Huyện Thống Nhất, với vị trí đặc biệt quan trọng, chiến lược, là nơi hội tụ của các đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia, của tỉnh Đồng Nai, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Nam Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, huyện được Trung ương, tỉnh Đồng Nai quan tâm đầu tư nguồn lực lớn phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, với trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối với vùng. Vì thế, Thống Nhất ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Lãnh đạo huyện Trảng Bom (Đồng Nai) tặng bảng tri ân các đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của huyện Trảng Bom.Là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản, gia súc, gia cầm thiếu ổn định, hạ tầng kỹ thuật chưa có sự đột phá, nhu cầu đầu tư phát triển lớn trong khi nguồn lực hạn hẹp, năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp. Sau 20 năm nỗ lực phát triển, đến nay, thu nhập bình quân đầu người từ 5,09 triệu đồng năm 2004 tăng lên trên 80 triệu đồng năm 2023. Giá trị sản xuất ngành Thương mại - Dịch vụ bình quân tăng 15,52%. Giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - Xây dựng bình quân tăng 18,3%. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản bình quân tăng 5,33%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm và tập trung cao sự lãnh đạo thực hiện. Năm 2015, huyện Thống Nhất được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới về trước thời gian 5 năm so với dự kiến. Đến nay, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một xã nông thôn mới kiểu và 3 xã nông thôn mới, 7 Khu dân cư kiểu mẫu.
Diện mạo huyện Thống Nhất đang ngày một đổi thay, huyện đã quy hoạch các khu - cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, hệ thống giao thông, điện, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyên canh rau hoa - cây cảnh, h mạng lưới điểm giao thông nông thôn… một cách khoa học, tạo tiền đề cho đầu tư, phát triển trong tương lai.
Tại lễ kỷ niệm, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị, thời gian tới, huyện Thống Nhất chú ý khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù sẵn có, đặc biệt về diện tích đất nông nghiệp lớn, cơ cấu lại từng ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, phát triển kinh tế số, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Huyện tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm xây dựng bộ máy chính quyền bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy từ huyện đến cơ sở; tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới công tác dân vận, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, trong đó làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo.