Đồng Nai áp dụng 'giấy thông hành vắc xin' điện tử để phục hồi kinh tế

3 năm trước 383
Đồng Nai áp dụng giấy thông hành vắc xin điện tử để phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Đồng Nai chuẩn bị thực hiện 'công dân vắc xin' - Ảnh: A.LỘC

Do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế, chiều 9-9, UBND tỉnh Đồng Nai giao nhiệm vụ từng ngành đưa ra các giải pháp để vừa phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh.

Để kiểm soát việc đi lại, làm việc thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin - truyền thông có giải pháp cập nhật thông tin vào hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, theo dõi người đã có chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 trong tỉnh và cả địa phương khác. 

Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để ban hành "giấy thông hành vắc xin" điện tử cho những người đủ tiêu chuẩn, thay cho giấy đi dường, giấy chứng nhận kết quả âm tính... 

Ngoài ra, Sở Thông tin - truyền thông có trách nhiệm nghiên cứu các phần mềm điện tử để kiểm soát, cảnh báo các trường hợp F0, F1 đang được cách ly tại nhà khi di chuyển. Xây dựng phần mềm chuyển đổi số để doanh nghiệp dùng chung và tiết kiệm chi phí.

Sở Y tế xây dựng các kịch bản, giải pháp phòng ngừa lây lan dịch bệnh để người dân, doanh nghiệp có phương án phòng ngừa hiệu quả, trong đó có giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin. Đề xuất nhóm công việc, đối tượng nào được phép hoạt động trong tình trạng bình thường mới để đảm bảo an toàn sản xuất và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân.

UBND tỉnh yêu cầu các ngành chuẩn bị các phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng có quy trình kiểm tra, giám sát dịch bệnh. Theo đó, rà soát các quy định bất cập của pháp luật và đề xuất các chính sách miễn, giảm thuế và lãi suất ngân hàng... theo hướng tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.

"Phong tỏa diện rộng sẽ làm tăng thêm gánh nặng"

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC) đánh giá toàn tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 lây nhiễm cộng đồng.

Cụ thể, các ổ dịch cũ đã thu hẹp quy mô đến cụm dân cư, một khu nhà trọ và một số hộ gia đình phụ cận, xen kẽ trong khu nhà trọ hoặc đến quy mô ấp/khu phố. Một số ổ dịch mới phát hiện ngoài cộng đồng do các ca nhiễm về/đến từ các vùng dịch và ca bệnh bỏ sót trong quá trình xét nghiệm diện rộng nhưng các ổ dịch này có phạm vi lây nhiễm hẹp.

CDC Đồng Nai cho rằng việc kéo dài phong tỏa diện rộng toàn bộ xã, phường đến thời điểm này không còn phù hợp, bởi các hộ gia đình trong các khu phong tỏa đã cơ bản sạch nguồn lây nhiễm nhưng vẫn bị phong tỏa chung với các ổ dịch sẽ làm tăng nguy cơ.

Theo đó, "việc phong tỏa rộng sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho công tác xét nghiệm tầm soát không cần thiết". Lý do, phong tỏa rộng chỉ giúp quản lý tốt người dân ra, vào khu phong tỏa, khó quản lý chặt chẽ các tiếp xúc bên ngoài khu phong tỏa.

Trong khi đó, phạm vi phong tỏa lớn cần nhiều lực lượng kiểm soát và phục vụ, việc cung ứng các dịch vụ thiết yếu trong khu phong tỏa cũng gặp nhiều khó khăn.

CDC Đồng Nai đề nghị ban chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát các ổ dịch cũ, đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại mỗi ổ dịch để tổ chức phong tỏa diện hẹp. Phạm vi phong tỏa là khu vực còn ca dương tính và có nguy cơ lây nhiễm như một cụm dân cư, một hoặc một khu nhà trọ và hộ dân lân cận khu nhà trọ.

Trong trường hợp các ấp, khu phố hay xã, phường có nhiều ổ dịch, nhiều khu nhà trọ có ca dương tính và chưa truy vết, kiểm soát tốt nguồn lây mới thực hiện phong tỏa toàn ấp hay toàn xã...

Đồng Nai cho phép công nhân tại doanh nghiệp Đồng Nai cho phép công nhân tại doanh nghiệp '3 tại chỗ' về địa phương

TTO - Hơn 1.000 lao động của 16 doanh nghiệp “3 tại chỗ” ở Đồng Nai mong muốn trở về gia đình do tạm trú trong doanh nghiệp quá lâu hoặc do doanh nghiệp hết đơn hàng, ngừng sản xuất.

Nguồn bài viết