Theo đó, mỗi khu công nghiệp phải có ít nhất một trạm y tế lưu động, có khu điều trị F0, cách ly F1. Doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thủy sản, khai khoáng, sản xuất dệt, may, da, giày, hóa chất, sản phẩm cao su, plastic, tái chế phế liệu, vệ sinh môi trường, sản xuất kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển nếu có số lao động dưới 300 người phải có ít nhất một người làm công tác y tế có trình độ trung cấp.
Doanh nghiệp có từ 300 - 500 lao động phải có ít nhất một bác sĩ và một người làm công tác y tế trình độ trung cấp. Những doanh nghiệp có từ 500 đến dưới 1.000 lao động phải có ít nhất 1 bác sĩ và mỗi ca làm việc phải có ít nhất một người làm công tác y tế trình độ trung cấp. Doanh nghiệp có 1.000 lao động trở lên phải thành lập cơ sở y tế.
Nếu trong doanh nghiệp xuất hiện F0 trong dây chuyền sản xuất phải xử lý quy mô dây chuyền. F0 ở từ hai dây chuyền sản xuất trở lên cùng một phân xưởng, xử lý quy mô toàn phân xưởng. F0 từ hai dây chuyền trở lên nhưng ở các phân xưởng khác nhau và có mối liên hệ dịch tễ sẽ xử lý quy mô toàn phân xưởng sản xuất.
Doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác ở trên sử dụng dưới 500 lao động phải có ít nhất một người làm công tác y tế trình độ từ trung cấp. Doanh nghiệp sử dụng 500 đến dưới 1.000 lao động phải có ít nhất một y sĩ và một người làm công tác y tế trình độ trung cấp. Doanh nghiệp có 1.000 lao động trở lên phải có ít nhất một bác sĩ và một người làm công tác y tế trình độ trung cấp.
Những doanh nghiệp không tổ chức được tổ y tế phải có hợp đồng với đơn vị y tế công lập hoặc tư nhân thực hiện công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người lao động.
Cùng với đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã ban hành văn bản gửi Công an tỉnh, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động và UBND 5 địa phương là các thành phố Biên Hòa, Long Khánh, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom yêu cầu cử người tham gia đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện phương án hoạt động sản xuất cho người lao động đi, về hàng ngày.
Từ ngày 15/11 đến 19/11/2021, Đoàn kiểm tra sẽ đến khoảng 20 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để kiểm tra về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong công ty, hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động và tổ chức cho lao động đi, về hàng ngày có đảm bảo yêu cầu theo quy định của UBND tỉnh hay chưa. Qua đó, Đoàn nắm bắt tình hình thực tế của doanh nghiệp trong quá trình khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh để có hướng giải quyết, hỗ trợ kịp thời.
Hiện các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.900 dự án, tỷ lệ khôi phục sản xuất đã đạt trên 95%. Các doanh nghiệp đang thực hiện 3 phương án để phục hồi sản xuất gồm cho lao động đi, về hàng ngày; 3 tại chỗ; 1 cung đường, 2 địa điểm.
Trước đó, Sở Y tế Đồng Nai đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức hội nghị triển khai thiết lập trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, mỗi khu công nghiệp phải thành lập ít nhất một trạm y tế lưu động phục vụ người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tùy theo diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn để thiết lập thêm các trạm y tế, đảm bảo mỗi trạm y tế lưu động phụ trách từ 500 - 1.000 trường hợp F0 cần được cách ly trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.