Đồng Nai trong công cuộc 'thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân'

1 tháng trước 22
Chú thích ảnhPhó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản, mong muốn ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai kết hợp với Đại học Ritsumeikan hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng Nai có diện tích tự nhiên đứng thứ 24/63 tỉnh, thành cả nước, với 5.905km2. Lâu nay, người ta biết đến Đồng Nai là trung tâm công nghiệp dịch vụ, mà "quên đi" ngành nông nghiệp cũng nằm trong top đầu cả nước.

Cấp uỷ và chính quyền Đồng Nai luôn là đầu tàu trong chương trình “Tam nông”, một chương trình lớn của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, xung quanh vấn đề này.

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đặt mục tiêu thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tại Đồng Nai, chương trình này đã được triển khai như thế nào trong hơn một năm qua, thưa ông?

Sau khi Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được ban hành, UBND tỉnh chủ động tham mưu Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh công tác triển khai Nghị quyết. Trong đó, xác định công tác tuyên truyền là một trong những công tác đầu tiên của các mặt công tác, tỉnh đã chủ động triển khai công tác quán triệt nghị quyết đến cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, các cấp ủy trực thuộc.

Sau đó, các đơn vị, địa phương đã triển khai rộng khắp công tác quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết với nhiều hình thức đa dạng, sâu sắc về nội dung đến tất cả cán bộ, đảng viên, hội viên, các thành phần kinh tế và nhân dân trên địa bàn.

Về quán triệt Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 21 và sáng ngày 22/7/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện nghiên cứu, học tập, quán triệt bằng hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Trung ương đến Hội trường Tỉnh ủy và 13 điểm cầu các cấp ủy trực thuộc tỉnh, 27 điểm cầu cấp xã. Kết quả, đã có 100% đảng bộ trực thuộc tỉnh, chi, đảng bộ cơ sở tổ chức học tập, quán triệt các Nghị quyết cho 99,1% và 85,6% đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.      

Về cụ thể hóa Nghị quyết, sau khi Nghị quyết số 19-NQ/TW được ban hành, việc thể chế hóa Nghị quyết được thực hiện đồng bộ ở các cấp, các ngành, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 228-KH/TU ngày 20/02/2023 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện Kế hoạch số 228-KH/TU ngày 20/02/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.   

Quyết tâm kiên định với mục tiêu đề ra, các cấp uỷ và chính quyền Đồng Nai đã đối mặt với khó khăn thách thức nào và giải quyết nó ra sao? Đặc biệt, việc đề ra chủ trương huy động toàn bộ nguồn lực để phát triển nông nghiệp đã tạo bước ngoặt cho chương trình “Tam nông” ra sao, thưa ông?

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhằm thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc lồng ghép các chương trình mục tiêu của tỉnh để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đã đạt được kết quả quan trọng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên thông giữa các trung tâm, hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trạm y tế đạt chuẩn, điện đáp ứng thường xuyên cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt dân cư; môi trường sinh thái có bước cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố và nâng cao về chất lượng hoạt động; an ninh trật tự chính trị được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần người dân khu vực nông thôn nâng cao rõ nét.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2023 đạt 78,95 triệu đồng/người/năm, tăng 9,93 triệu đồng so năm 2021 (năm 2021 là 69,02 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương đến cuối năm 2023 còn 0,04%; Đồng Nai đã hoàn thành 120/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 110/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 30 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 10/10 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 1 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao (huyện Xuân Lộc) và là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.       

Bám sát Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực: Vốn ngân sách, vốn huy động từ người dân, các tổ chức kinh tế, vốn giữa các chương trình. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư nông thôn mới giai đoạn 2021-2024 (tính đến tháng 6/2024) là 282.363.292 triệu đồng.     

Trên cơ sở phân cấp quản lý vốn đầu tư, chính quyền địa phương các cấp đã chủ động cân đối, bố trí  nguồn vốn ngân sách đầu tư theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, văn hóa,...; nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư phát triển hạ tầng khu vực nông thôn là hơn 17,3 ngàn tỷ đồng, chiếm 6,1% tổng nguồn vốn. Thực hiện kịp thời việc bố trí vốn ngân sách hỗ trợ thực hiện xã hội hóa giao thông nông thôn, tập trung ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn ngân sách tỉnh cho các huyện còn khó khăn (Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu).    

Thành tựu của chương trình “Tam nông” là kết quả của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân Đồng Nai. Với vai trò đầu tàu các cấp uỷ, chính quyền đã chủ động, sáng tạo như thế nào trong việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong quá trình thực hiện, thưa ông?

Tuy là tỉnh công nghiệp, nhưng Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh; thực hiện với tinh thần xuyên suốt sáu chữ “Chủ động, quyết tâm, quyết liệt”.

Gần đây nhất là năm 2021, trong khi Trung ương chưa ban hành khung pháp lý liên quan đến việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Nai đã chủ động triển khai thực hiện:    

Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025; Kết luận số 279-KL/TU ngày 18/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 05/9/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) về huy động nguồn lực xây dựng và phát triển nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.  UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện, Quyết định giao chỉ tiêu thực hiện hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025. 

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là các chính sách đặc thù của tỉnh: hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ; bù lãi suất cho ngành điện đầu tư hệ thống điện phục vụ nông thôn; đầu tư xây dựng chợ nông thôn; đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; hỗ trợ người dân sử dụng hình thức hỏa táng; hỗ trợ xã, huyện sau đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (xã kiểu mẫu hỗ trợ 3 tỷ, xã nâng cao hỗ trợ 2 tỷ, huyện nâng cao hỗ trợ 10 tỷ).     

Nhìn chung, với tinh thần chủ động sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết, tỉnh Đồng Nai đã kịp thời, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phù hợp thực tế trên địa bàn, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực hiện.    

Xin trân trọng cám ơn ông! 

Nguồn bài viết