Đồng Nai lý giải nguyên nhân rớt khỏi ‘top đầu’ về thu hút đầu tư

1 năm trước 105
Đồng Nai lý giải nguyên nhân rớt khỏi ‘top đầu’ về thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Sơn Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thông tin tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022 - Ảnh: A LỘC

Thông tin được đưa ra trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022 do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức chiều 30-12.

Theo đó, trong năm 2022, Đồng Nai thu hút hơn 2.600 tỉ đồng vốn đầu tư trong nước, chỉ bằng 18% so với cùng kỳ 2021 (trong đó cấp mới hơn 1.200 tỉ đồng, bằng 10% cùng kỳ).

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,15 tỉ USD, bằng 95% cùng kỳ 2021. Dù thu hút FDI gần bằng năm 2021 nhưng Đồng Nai không lọt top những tỉnh thành thu hút đầu tư nước ngoài lớn của cả nước.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai - khẳng định việc thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư trong nước sụt giảm mạnh không phải do địa phương mất đi sức hút. Việc đầu tư của Đồng Nai thậm chí mạnh hơn các năm trước đây nhưng kết quả không đạt như mong muốn.

Giải thích về việc này, ông Nguyên cho rằng các quy định pháp luật còn chồng chéo, không riêng Đồng Nai mà cả nước. Đặc biệt, trước đây Đồng Nai là một trong các địa phương vận dụng rất "sáng tạo", nhưng việc sáng tạo hiện trở thành rào cản, thậm chí "lỗi" nên các cơ quan rất thận trọng trong việc áp dụng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp tập trung đầu tư chủ yếu các lĩnh vực liên quan đến khu dân cư, bất động sản, trong khi các dự án sản xuất kinh doanh ít và bất động sản cần địa điểm nhưng địa điểm không thể nào còn mãi được.

Cũng theo ông Nguyên, đầu tư nước ngoài chủ yếu trong các khu, cụm công nghiệp. Hiện Đồng Nai quy hoạch đến 40 khu công nghiệp (một số mới được bổ sung), trong số 32 khu công nghiệp được thành lập, 31 khu đã đi vào hoạt động với tỉ lệ quỹ đất sử dụng khoảng 85%.

"Phần còn lại chủ yếu nhỏ lẻ, rất hạn chế đối với nhà đầu tư cần quỹ đất lớn để đầu tư lại không có. Như nhà đầu tư Lego sau ba năm không chờ đợi được nữa đã qua Bình Dương đầu tư" - ông Nguyên chia sẻ và cho rằng điều này phản ánh quá trình "lót ổ", trải thảm chào đón doanh nghiệp có độ trễ.

Đồng Nai lý giải nguyên nhân rớt khỏi ‘top đầu’ về thu hút đầu tư - Ảnh 2.

Quỹ đất lớn hiện còn thấp ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư của Đồng Nai. Trong ảnh: một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP Biên Hòa) có tỉ lệ lấp đầy 100% với hơn 130 dự án - Ảnh: A LỘC

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp đang tháo gỡ khó khăn, sớm thành lập, đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư. Tới đây sẽ có "làn sóng" đầu tư vào Đồng Nai và đây là cơ hội để tỉnh rà soát lại chất lượng thu hút đầu tư. Bởi trong thời gian dài Đồng Nai thu hút các dự án chưa quan tâm nhiều đến giá trị gia tăng mang lại cũng như chất lượng lao động. 

Đó là lý do Đồng Nai có lượng nhập cư đông nhưng chất lượng lao động không đạt. Và điều này còn dẫn đến sự phát triển bền vững sau này.

Vì vậy, ông Nguyên nhận định đây là cơ hội để tỉnh thay đổi quan điểm cũng như đổi mới cách đào tạo, tuyển dụng lao động đầu vào, xuất phát từ thu hút đầu tư các doanh nghiệp phải có lao động chất lượng, tay nghề, có chứng chỉ đào tạo, chứ không phải chỉ lao động phổ thông như trước đây.

Mặt khác, khó khăn chung tỉnh đang gặp phải là các kết luận của các cơ quan, đặc biệt kết luận của kiểm toán dẫn đến một số dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng việc giao đất cho nhà đầu tư khó khăn, việc triển khai của nhà đầu tư vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ các khó khăn này. Một mặt kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương phối hợp tháo gỡ khó khăn về kiến trúc thượng tầng, các quy định pháp luật.

Tỉnh cũng sẽ rà soát lại tất cả các dự án đầu tư, kể cả khu vực được quy hoạch để đảm bảo các nhà đầu tư đến là có thể đầu tư ngay, tránh tình trạng như Lego, chờ đợi 3 năm cũng không có được mặt bằng…

Tiền Giang phát triển hạ tầng giao thông, thu hút đầu tưTiền Giang phát triển hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư

TTO - Những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và dần hoàn thiện hệ thống giao thông thủy, giao thông bộ nhằm tăng cường kết nối vùng, từ đó nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.

Nguồn bài viết