Công nhân được làm test nhanh trước khi vào xưởng sản xuất - Ảnh: A LỘC
Theo thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), đơn vị vừa cấp phép cho 11 doanh nghiệp không thực hiện phương án "3 tại chỗ" được trở lại sản xuất, lao động đi về hằng ngày với số lượng 17.507 người.
Vui mừng trở lại nhà máy
Ngoài ra, có 21 doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" cũng đăng ký bổ sung phương án cho người lao động đi về hằng ngày với số lượng gần 1.500 người.
Những doanh nghiệp trở lại sản xuất đợt này phần lớn là những doanh nghiệp có số lao động rất đông như Tập đoàn Phong Thái, Công ty Changshin, Công ty Pousung... Theo quy định, công nhân được trở lại sản xuất phải đáp ứng điều kiện ở các phường/xã, ấp/khu phố thuộc "vùng xanh". Còn lao động của các vùng đỏ, cam và vàng vẫn chưa thể quay lại doanh nghiệp làm việc.
Theo một số chuyên gia, với việc cho lao động trở lại làm việc sẽ mở ra hy vọng cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào phục hồi sản xuất. Đặc biệt là các đơn hàng cuối năm có ý nghĩa rất quan trọng với các doanh nghiệp và được xem là "phao cứu sinh" vớt vát lại những tổn thất của 3 tháng qua.
Theo ghi nhận, khoảng 8h cùng ngày, hơn 5.500 công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) đã đến công ty làm xét nghiệm COVID-19 trước khi chính thức làm việc trở lại.
Tâm trạng chung của công nhân là rất phấn khích, vui vẻ sau 3 tháng liền bị "khóa chặt" ở nhà trọ do dịch bệnh khiến họ rất khó khăn và bức bối. Việc quay lại làm việc cũng giúp họ có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống tốt hơn.
"Công ty nghỉ gần 3 tháng nay rồi, nay được đi làm lại tôi cảm thấy rất vui. Nhất là công ty có tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ công nhân nên cũng cảm thấy yên tâm hơn", chị Bùi Thị Ngọc Nhi nói. Còn chị Bùi Thị Kim Hiền cho biết sẽ cố gắng phòng chống dịch cùng công ty để đảm bảo sản xuất ổn định hơn.
Công nhân ở các xã, ấp thuộc "vùng xanh" được quay lại làm việc - Ảnh: A LỘC
Cần tạo điều kiện cho công nhân đến công ty sản xuất
Ông Lê Nhật Trường - chủ tịch công đoàn Công ty Pousung - cho biết công ty là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận quay lại làm việc sau gần 3 tháng tạm dừng. Trong ngày đầu tiên, công ty thuê đơn vị thực hiện test nhanh cho toàn bộ công nhân, trường hợp âm tính mới được vào xưởng sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Trường, số lao động trên chỉ chiếm hơn 20% tổng số lao động của doanh nghiệp. Vì vậy khi quay lại sản xuất với tình trạng thiếu hụt lao động, công ty phải đào tạo, bố trí lại công nhân sản xuất cho hợp lý. "Thay vì trước đây làm 3 chuyền thì bây giờ đào tạo lại, bố trí chỉ còn 1 chuyền thôi. Cho nên sẽ có rất nhiều khó khăn", ông Trường nói.
Theo lộ trình trong thời gian tới, công ty sẽ tăng dần số lượng lao động lên 40%, 60%, 80%... song việc này phụ thuộc độ bao phủ vắc xin và việc chuyển vùng nguy cơ của các địa phương. Trường hợp địa phương nơi lao động ở chuyển từ "vùng xanh" qua vùng vàng thì buộc phải cho lao động nghỉ.
Do đó, công ty phải thường xuyên cập nhật danh sách lao động ở "vùng xanh" mới để thông báo DIZA chấp thuận cho đi làm, đồng thời cho người lao động ở "vùng vàng" mới nghỉ.
Đặc biệt, có nhiều địa phương chưa nắm được hết chính sách, hướng dẫn của cơ quan nhà nước nên "hăm he" cách ly 14 ngày đối với công nhân từ Trảng Bom (vùng vàng) về, mặc dù công ty đang ở "xã xanh". Vì vậy, ông Trường kiến nghị các cơ quan nhà nước hướng dẫn thêm để các huyện tạo điều kiện thuận lợi cho lao động đến công ty làm việc.
Ông Lê Đức Thụy - chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom - cho biết gần đây có tình trạng công nhân đồng loạt kéo về quê. Tuy nhiên theo ông Thụy, phần lớn trong đó là lao động tự do hoặc quê cách Đồng Nai không quá xa.
Trong khi đó, theo hướng dẫn, việc phục hồi sản xuất được nới dần từng bước một. Ông Thụy cho rằng khi các chính sách "thoáng hơn" để doanh nghiệp phục hồi sản xuất ở mức cao hơn thì lượng lao động thiếu hụt cũng có nhưng cơ bản vẫn đáp ứng được, không quá đáng lo.