Đường tránh thành phố Long Xuyên đoạn cầu Mương Điểm, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên (An Giang) vắng tanh, không bóng người thi công - Ảnh: BỬU ĐẤU
Dù An Giang, Đồng Tháp được xem là mỏ cát của khu vực nhưng hiện nay các địa phương này vẫn khan hiếm cát, dẫn đến nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ.
Giữa mỏ cát vẫn thiếu cát
Ngày 22-5, phóng viên Tuổi Trẻ quay trở lại công trường thi công tuyến tránh thành phố Long Xuyên tại điểm cuối gần nhà thờ Cần Xây, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tại đây chỉ có vài công nhân đang làm việc cầm chừng, nền đường vẫn đang... "đói" cát.
Đường tránh này được khởi công vào đầu tháng 1-2022, có tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Thế nhưng, dù đã thi công gần 5 tháng qua nhưng công trình này chỉ đạt gần 4% khối lượng. Nguyên nhân chính vì thiếu cát.
Ông Phan Duy Lai - phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) - cho hay hiện nay chỉ vận chuyển khoảng 5.000m3 cát/ngày. "Phải từ 8.000 - 10.000m3 cát/ngày mới đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra", ông Lai nói và cho hay phải đến hết tháng 6 mới thực hiện xong phần nền đường toàn tuyến. Tức là chậm gần 1 tháng so với kế hoạch. Có 2 nguyên nhân do tỉnh hỗ trợ trễ và các nhà thầu lấy cát chậm...
Khan hiếm nguồn cát không chỉ xảy ra tại An Giang mà còn ở nhiều địa phương khác như Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre...
Tại Bến Tre, mới đây khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2, vấn đề tìm kiếm nguồn cát lấp cho công trình cũng được đặt ra ngay tại buổi lễ khởi công.
Sở Tài nguyên và môi trường Vĩnh Long cho biết theo dự báo, trong năm 2022 tỉnh sẽ thiếu hụt khoảng 5,5 triệu m3 cát sông san lấp công trình.
"Việc thiếu cát san lấp ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án, công trình và kinh phí xây dựng" - ông Nguyễn Văn Tuấn, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Vĩnh Long, nói.
Nhu cầu cát phục vụ san lấp các công trình xây dựng của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2025 là 34 triệu m3. Trữ lượng hiện nay của thành phố cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.
Đáng chú ý, ông Vũ Văn Bình - trưởng phòng quản lý khai thác cát thuộc Công ty cổ phần Xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp - cho hay sản lượng cát khai thác của công ty giảm trên 1 triệu m3 do nhiều yếu tố. Trong đó có chuyện một số địa phương có mỏ cát đề nghị giữ lại để khi nào họ làm đường mới mở mỏ.
Nhu cầu và khả năng cung ứng cát ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - Đồ họa: T.ĐẠT
Cấp tập đi tìm nguồn cát
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho hay đang tổ chức đấu thầu một số mỏ cát. Ngoài ra, trên dòng sông Ba Lai, các ngành chức năng của tỉnh đã khảo sát, thăm dò được 2 mỏ cát có trữ lượng lớn.
"Hiện có một doanh nghiệp tại TP.HCM đang nghiên cứu đề tài xử lý cát biển để phục vụ nhu cầu san lấp, xây dựng trên địa bàn tỉnh", ông Tam nói.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bến Tre, năm 2019 tỉnh đã tổ chức đấu giá 5 khu vực mỏ. Nhưng đến nay chỉ có 1 đơn vị đã được cấp giấy phép khai thác, 3 đơn vị đã bị hủy kết quả. Các mỏ cát trên địa bàn tỉnh đã hết thời hạn quy hoạch nên không thể tổ chức các thủ tục đấu giá ngay.
Tại An Giang, ông Huỳnh Văn Thái - trưởng phòng khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh - cho hay tỉnh đang cấp phép khai thác 9 khu mỏ cát sông, tổng trữ lượng còn lại tính đến cuối năm 2021 là khoảng 15,3 triệu m3.
"Các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng thì việc khan hiếm nguồn cát, kéo theo giá cát tăng là điều không tránh khỏi trong thời gian tới. Nguyên nhân giá cát tăng là do lệch pha cung cầu, giá nhiên liệu tăng cao và giá tính thuế tài nguyên cát sông tăng", ông Thái nói và cho hay UBND tỉnh đã có giải pháp cân đối.
An Giang sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu cát cho các công trình trọng điểm của tỉnh và... một phần của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2025.
Còn ông Hồ Thanh Phương - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Tháp - thì thẳng thắn: Đồng Tháp chỉ cung ứng cát trong nội tỉnh còn không đủ thì làm sao hỗ trợ các tỉnh khác.
Nghiên cứu sử dụng cát biển
Theo Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Giao thông vận tải), nếu không sớm có giải pháp, nguy cơ thiếu vật liệu cát thi công các tuyến cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long là khó tránh. Đơn vị này nêu phương án sử dụng cát biển hoặc cát nhiễm mặn. Vùng biển Sóc Trăng được đánh giá có thể quy hoạch để thăm dò khai thác cát làm vật liệu xây dựng và san lấp.
Ngoài ra, từ cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ cũng đã thông qua cơ chế đặc thù về việc nâng công suất các mỏ cát, sỏi lòng sông thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. UBND cấp tỉnh được cho phép nâng không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác nhằm phục vụ dự án...
Đề nghị sử dụng tro, xỉ làm vật liệu thay thế
Ông Trần Trí Quang - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn nghiên cứu các giải pháp để cân đối cát, không làm ảnh hưởng tiến độ các dự án, công trình trọng điểm của trung ương qua địa bàn.
Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành sớm có vật liệu thay thế cát. Trong thiết kế, nên đánh giá lại cốt nền để giảm chiều cao đất và cát san lấp cho phù hợp. "Dù chưa có kiểm chứng nhưng tôi thấy tro, xỉ có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật rồi thì Bộ Xây dựng xem áp dụng thay thế được hay chưa?", ông Quang đề nghị.
Một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh Singapore và một số nước trên thế giới đang sử dụng cát nhiễm mặn để làm cốt nền đường. Thêm vào đó, lượng bùn cát khi nạo vét tại các nhánh sông, kênh, rạch ở Việt Nam rất nhiều nhưng chưa tận dụng được.
"Ở Mỹ đã có chất phụ gia để đóng rắn bùn cát, sử dụng vào ngành xây dựng. Ngành xây dựng cần sớm nhận chuyển giao ngay là đã đảm bảo 70% nguồn nguyên liệu thay thế cát. Giải pháp nữa là nếu khu vực nào có bãi bồi và ảnh hưởng đến dòng chảy thì có thể nạo vét nếu không gây sạt lở", vị này nói.
* PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường đại học Cần Thơ):
Cần hạn chế dùng cát
Trước đây khai thác cát thì phù sa sẽ mang cát ở nơi khác về, nhưng hiện nay hầu như không còn nên việc tiếp tục khai thác cát sẽ gây ra nhiều hậu quả. Theo nghiên cứu ban đầu của chúng tôi, việc lấy cát san lấp 1ha có thể làm mất ít nhất 2ha ở nơi khác. Việc này không chỉ gây sạt lở, mất đất tại ngay nơi khai thác cát mà còn ở nơi khác.
Nhiều quốc gia thiếu cát phải tính tới nhập khẩu. Khi chưa có nguồn thay thế, chúng ta có thể hạn chế dùng cát bằng các giải pháp kỹ thuật như đổ trụ rồi xây đường trên cao để hạn chế hoạt động san lấp nền. Đặc biệt, những dự án như sân golf "tiêu tốn" một lượng rất lớn cát thì cân nhắc việc triển khai.
C.QUỐC