Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) trong phần hỏi đáp sau bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022 vào ngày 11-6 - Ảnh: AFP
Không ngạc nhiên khi giới quan sát đều muốn biết ông Austin sẽ nói gì về Trung Quốc và cuộc xung đột tại Ukraine ở lần xuất hiện này. Vị bộ trưởng Mỹ đã đề cập đến cả hai vấn đề, và chủ đề xuyên suốt bài phát biểu của ông là thông điệp "đi cùng nhau".
Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu hay xung đột. Chúng tôi cũng không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới, một NATO châu Á hay một khu vực bị chia cắt thành các khối thù địch.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin
Mạnh hơn khi đến với nhau
Trong phần đầu bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022 (SLD22) ngày 11-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã phác thảo về một thế giới mà Washington đang tìm kiếm. Đó không phải thế giới bị phân mảnh và đối đầu mà là một nơi các nước chia sẻ mục tiêu chung, giải quyết các tranh chấp theo cách hòa bình.
"Đó là một thế giới trong đó tất cả các quốc gia - lớn và nhỏ - được tự do phát triển và theo đuổi các lợi ích của mình hợp pháp, không bị ép buộc và đe dọa", ông Austin nói.
Liên tục trong bài phát biểu, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh đến quan hệ đối tác, mô tả những quan hệ của Mỹ tại khu vực đã phát triển và trưởng thành hơn. "Trong thế giới đan xen ngày nay, chúng ta mạnh mẽ hơn khi tìm cách đến với nhau", ông nói.
Ví von Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là "trái tim" trong đại chiến lược của Mỹ, ông Austin cam kết sẽ đề xuất mức ngân sách kỷ lục trong năm 2023 để đảm bảo an ninh khu vực.
Con số này bao gồm 6,1 tỉ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương, các hệ thống khí tài tiên tiến mới và những hoạt động đảm bảo các nước có đủ năng lực răn đe các hành vi xâm phạm lợi ích quốc gia của họ.
Còn một điểm đáng lưu ý nữa là ông Austin nhắc đến việc mời các nước châu Âu khác đến khu vực bên cạnh việc nâng cấp các quan hệ quân sự hiện có. Sự phối hợp giữa các lực lượng Mỹ tại khu vực và các đối tác sẽ tạo nên "sự răn đe tích hợp".
Tăng cường sự hiện diện
Ông Austin khẳng định ưu tiên của Mỹ vẫn là ngoại giao nhưng sẽ luôn chuẩn bị đầy đủ để đánh bại mọi sự gây hấn.
"Mỹ sẽ sát cánh cùng những người bạn của mình trong khu vực, vì các quyền của họ. Đó là điều đặc biệt quan trọng khi Trung Quốc đang áp đặt cách tiếp cận quyết đoán và cưỡng ép hơn trong vấn đề yêu sách lãnh thổ" - bộ trưởng Mỹ nêu vấn đề và dẫn ra nhiều ví dụ trên Biển Đông, biển Hoa Đông trong quá khứ lẫn gần đây.
Các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo ông Austin, không nên bị đối mặt với bất kỳ sự đe dọa chính trị, cưỡng ép kinh tế hoặc quấy rối bởi dân quân biển.
Với mục tiêu đó, Mỹ cam kết sẽ duy trì sự hiện diện chủ động trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016 và hoạt động ở các khu vực được luật quốc tế cho phép cùng các đồng minh, đối tác.
"Chúng tôi tin các cường quốc lớn gánh vác những trách nhiệm lớn. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm tròn việc của mình để quản lý những căng thẳng này một cách có trách nhiệm, để ngăn chặn xung đột và theo đuổi hòa bình, thịnh vượng tại khu vực", bộ trưởng Mỹ nêu cam kết.
Trong phần hỏi đáp, khi được hỏi về việc Mỹ đã nhiều lần cảnh báo sẽ có "hậu quả" nếu Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa bất hợp pháp các thực thể trên Biển Đông nhưng vô ích, ông Austin cho rằng một điều mà ai cũng thấy chính là các nước ngày càng xích lại gần nhau hơn và làm việc cùng nhau "để bảo đảm bản thân có đủ năng lực bảo vệ lợi ích và lãnh hải của mình".
Trên thực tế có một sự miễn cưỡng nhất định tại khu vực, xét đến việc Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của nhiều nước.
Việt Nam phát triển quân đội hòa bình, tự vệ
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vào ngày 11-6 - Ảnh: TTXVN
Trong bài phát biểu tại phiên thứ 4 của SLD22, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam phát triển quân đội theo hướng hòa bình, tự vệ và tăng cường khả năng quốc phòng là để bảo vệ Tổ quốc.
Ông cũng đồng thời nhắc lại nguyên tắc "4 không" của Việt Nam gồm: không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
"Tăng cường năng lực quốc phòng, nếu không minh bạch sẽ rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm; nếu không vì mục đích chính nghĩa, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang", Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu vấn đề.
Để thế giới hòa bình như mong muốn, ông khẳng định các nước sẽ cần đến sự tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, cần đến sự hợp tác phát triển trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, luật pháp, các cam kết và cơ chế hợp tác quốc tế.