ĐỌC NHANH 5-3: Giao tranh nhằm vào đoàn xe Nga hướng đến Kiev

2 năm trước 276
 Giao tranh nhằm vào đoàn xe Nga hướng đến Kiev - Ảnh 1.

Đại diện Anh (trái) và Mỹ trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an diễn ra cuối ngày 4-3, rạng sáng 5-3 theo giờ Việt Nam - Ảnh: REUTERS

Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rạng sáng 5-3 (giờ Việt Nam), Đại sứ Nga Vasily Nebenzya phủ nhận Nga cố tình nhắm mục tiêu vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Ông Nebenzya khẳng định các lực lượng tuần tra Nga đã bị tấn công trước bởi một nhóm phá hoại người Ukraine và buộc phải đáp trả. Nhóm người này sau đó đã rút lui nhưng phóng hỏa một tòa nhà hành chính trong khu vực nhà máy.

Ở chiều ngược lại, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield chỉ trích Nga tấn công vào Zaporizhzhia và gọi đây là "sự leo thang nguy hiểm".

Bà cảnh báo trong khi nhân loại đã thoát được một thảm họa hạt nhân ở Zaporizhzhia, nguy cơ vẫn còn khi quân đội Nga đang áp sát nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine và chỉ còn cách nơi đây hơn 30km.

 Giao tranh nhằm vào đoàn xe Nga hướng đến Kiev - Ảnh 2.

Sơ đồ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong đồ họa của New York Times ngày 5-3. Khu vực được đánh dấu bằng hình chữ nhật màu đỏ là nơi xảy ra đám cháy rạng sáng 4-3. Các lò phản ứng nằm ở phía trên cùng của ảnh

Giao tranh tại khu vực phía bắc thủ đô Kiev tiếp diễn trong ngày 4-3, tập trung ở nhóm dẫn đầu đoàn xe quân sự dài hàng chục km của Nga, theo tình báo Vương quốc Anh.

Trong cuộc họp báo ngày 5-3 (giờ Việt Nam), người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết sự phản kháng của người Ukraine đã làm chậm bước tiến của đoàn xe quân sự Nga ở phía bắc Kiev.

"Chúng tôi có thông tin một cây cầu nằm trên đường chính đã bị cho nổ tung. Cũng có một số dấu hiệu cho thấy người Ukraine đang tấn công đoàn xe Nga ở một số địa điểm", ông Kirby thông tin thêm.

Phần lớn các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Ukraine vẫn đang hoạt động sau giai đoạn bị Nga tấn công phủ đầu, theo một quan chức Mỹ ngày 4-3.

"Ukraine vẫn duy trì được sức mạnh chiến đấu trên không, cả máy bay cánh cố định lẫn trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa đất đối không", Hãng tin Reuters trích lời vị này tiết lộ.

Tại thành phố Mariupol ở phía nam Ukraine, tình hình cũng đang hết sức nguy cấp khi nơi đây đã bị quân Nga bao vây nhiều ngày qua, theo báo New York Times ngày 5-3.

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định Nga không tìm cách chia Ukraine thành nhiều phần. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Saudi Arabia công bố ngày 4-3, ông Dmitry Peskov khẳng định mục tiêu của Nga là xóa sạch tư tưởng phát xít khỏi Ukraine và mối đe dọa từ phương Tây.

 Giao tranh nhằm vào đoàn xe Nga hướng đến Kiev - Ảnh 3.

Binh sĩ Ukraine tránh một trận không kích của Nga ở TP Boutcha phía tây Kiev ngày 4-3 - Ảnh: AFP

 Giao tranh nhằm vào đoàn xe Nga hướng đến Kiev - Ảnh 4.

Đoàn xe quân sự Nga nối đuôi nhau ở phía bắc Kiev trong ảnh vệ tinh chụp ngày 28-2 - Ảnh: MAXAR

Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos tiến hành ngày 4-3, 80% người Mỹ tham gia khảo sát cho rằng Washington nên ngừng mua năng lượng của Nga. 74% kêu gọi Mỹ làm việc với NATO để thiết lập "vùng cấm bay", từ đó bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc không kích của Nga.

Phần lớn người được hỏi cũng phản đối ý tưởng điều quân Mỹ tới Ukraine hoặc tiến hành các cuộc không kích để hỗ trợ quân đội Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày 4-3 đã nói rõ quan điểm của chính quyền Joe Biden về hai vấn đề can thiệp sâu và năng lượng.

Thứ nhất, việc NATO thiết lập "vùng cấm bay" ở Ukraine có thể dẫn tới "một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu". Ông Blinken giải thích nếu đảm bảo không phận Ukraine là khu vực cấm, NATO sẽ phải triển khai máy bay và sẵn sàng bắn hạ máy bay Nga.

Thứ hai, Mỹ chưa vội trừng phạt trực tiếp ngành năng lượng Nga. Trừng phạt vào lúc này sẽ gây ra thiếu nguồn cung, đẩy giá dầu lên cao. Hệ quả là tiền sẽ rời túi người Mỹ nhiều hơn và Nga sẽ thu lợi lớn hơn.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng, thậm chí là "Thế chiến thứ III" như lời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 3-3 nếu NATO thực thi vùng cấm bay.

Trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Bỉ ngày 4-3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo các nước NATO đã nhất trí sẽ không đưa máy bay hoặc binh sĩ đến Ukraine. Việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine không phải là một lựa chọn đang được xem xét.

 Giao tranh nhằm vào đoàn xe Nga hướng đến Kiev - Ảnh 6.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (phải) trong cuộc họp các ngoại trưởng NATO ngày 4-3 - Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã điện đàm với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres về tình hình nhân đạo ở Ukraine. Trong cuộc gọi ngày 4-3, ông tiếp tục nhấn mạnh lý do Nga đưa quân vào Ukraine và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn Liên Hiệp Quốc để giải quyết các vấn đề nhân đạo.

Ukraine sẽ gia nhập Trung tâm phòng thủ không gian mạng hợp tác NATO (CCDCOE) với tư cách là "bên tham gia có đóng góp". Thông báo của CCDCOE ngày 5-3 nhấn mạnh trung tâm này trước đó đã chào đón các nước không phải là thành viên NATO.

Trong họp báo ngày 5-3, đại diện Lầu Năm Góc khẳng định vẫn chưa phát hiện sự thay đổi đáng chú ý nào của lực lượng răn đe hạt nhân Nga tính đến thời điểm hiện tại. Trước đó Tổng thống Nga Putin đã đặt lượng này vào trạng thái báo động.

Lo sợ tình hình trở nên tệ hơn, Ấn Độ hối thúc Ukraine và Nga ngừng bắn ở thành phố Sumy phía đông bắc Ukraine để sơ tán công dân. Trong họp báo ngày 4-3, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết hơn 700 sinh viên nước này bị mắc kẹt ở Sumy từ lúc chiến sự nổ ra đến nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký thông qua đạo luật trừng phạt những người tung tin giả về hoạt động của quân đội Nga tại Ukraine. Những người chủ ý lan tin giả, bôi xấu quân đội Nga có thể đối mặt 15 năm tù, theo Reuters.

NATO cảnh báo chiến sự ở Ukraine sẽ NATO cảnh báo chiến sự ở Ukraine sẽ 'chết chóc' hơn

TTO - Phát biểu sau cuộc họp với ngoại trưởng các nước thành viên, tổng thư ký NATO cảnh báo chiến sự ở Ukraine có thể nghiêm trọng hơn trong những ngày tới, nhưng bác bỏ việc lập vùng cấm bay ở nước này.

Nguồn bài viết