Để không thiếu điện, Bộ Công thương tính nhập hàng nghìn MW từ Trung Quốc, Lào

3 năm trước 217
Để không thiếu điện, Bộ Công thương tính nhập hàng nghìn MW từ Trung Quốc, Lào - Ảnh 1.

Dự kiến tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3.164 MW - Ảnh: EVN

Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về giải pháp đảm bảo cung cấp điện năm 2022 và các năm từ 2023 đến năm 2025, khẳng định thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện.

Theo đó, Bộ Công thương dự kiến tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3.164 MW. Bộ cũng đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thúc đẩy dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW) để có thể hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5-2022.

Bộ sẽ rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện.

Đặc biệt là các công trình nguồn và lưới điện đã có trong quy hoạch, kế hoạch, nghiên cứu thêm giải pháp vận hành an toàn hệ thống điện, nhất là trong điều kiện tỉ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo ở mức cao. Trước mắt sẽ rà soát các công trình thuộc khu vực miền Bắc để chống thiếu nguồn.

Cùng với đó, bộ sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo, thu hút đầu tư vào các công trình đấu nối.

Đáng chú ý, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh sẽ chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào.

Trong đó, ký hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua đường dây 220kV trong dài hạn từ 10 đến 20 năm với gần chục tỉ kWh; với Lào sẽ đẩy nhanh tiến độ đường dây đấu nối và mua từ năm 2022 với công suất cũng lên tới 5.000 MW vào năm 2030 theo biên bản ghi nhớ giữa hai nước.

Theo báo cáo, dự thảo Quy hoạch điện 8 xác định đến năm 2025 cần đưa vào vận hành thêm khoảng 16.052 MW nguồn nhiệt điện than và khí, 4.722 MW nguồn thủy điện và 11.500 MW điện gió, 1.530 MW điện mặt trời và hơn 1.100 MW điện năng lượng tái tạo khác; nhập khẩu khoảng hơn 4.700 MW.

Nguồn bài viết