Để doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng, Thủ tướng có lời đề nghị với cộng đồng nhà đầu tư lớn nhất

2 năm trước 145
Để doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng, Thủ tướng có lời đề nghị với cộng đồng nhà đầu tư lớn nhất - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam - Ảnh: VGP

Đó là nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra khi chủ trì cuộc đối thoại với đại sứ Hàn Quốc và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam ngày 30-7. Hiện Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 79,8 tỉ USD.

Từ cuộc đối thoại trước vào tháng 9-2021 tới nay của Thủ tướng, đã có 25/29 đề xuất, kiến nghị được xử lý nên cuộc gặp hôm nay diễn ra trên tinh thần "Chính phủ luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi"; gắn với các đề xuất cụ thể, rõ ràng, "khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết".

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục nêu ra 33 kiến nghị tập trung vào vấn đề như ưu đãi thuế; quy hoạch điện, cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp; cơ chế khuyến khích đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo và chiến lược, giải pháp để xây dựng và phát triển ngành xe điện; các biện pháp ứng phó với dịch bệnh; thủ tục liên quan giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; nhân lực; ngành công nghiệp văn hóa...

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan và các doanh nghiệp khẳng định cuộc đối thoại tháng 9-2021 của Thủ tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp Hàn Quốc sớm khôi phục khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19. Nhờ đó, kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt 100 tỉ USD vào năm nay, sớm hơn kế hoạch là năm 2023.

Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2022, đặc biệt là GDP quý 2 tăng 7,72% - tốc độ cao nhất trong 11 năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu và lâu dài.

Do đó, ông bày tỏ mong muốn cùng Hàn Quốc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước với trụ cột và động lực quan trọng là hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam mong muốn có nhiều dự án hợp tác, đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, như công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng…

Đồng thời, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị trên cơ sở tăng nhanh hơn nữa tỉ lệ nội địa hóa và nâng cao phần giá trị gia tăng của Việt Nam. Thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

"Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu", Thủ tướng phát biểu.

Về thương mại, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tăng cường hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); đồng thời, giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hải sản, trái cây vào thị trường Hàn Quốc.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tạo thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam, nhất là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

 Chỉ làm được ốc vít, bao bì… là chính?Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ - Kỳ 2: Chỉ làm được ốc vít, bao bì… là chính?

TTO - Ngoài một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, đa số doanh nghiệp Việt vẫn quanh quẩn giải bài toán khó: vốn, đầu ra, tuân thủ được yêu cầu của chuỗi liên tục cao hơn mà vẫn có lời.

Nguồn bài viết