Để doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành rường cột của nền kinh tế

3 năm trước 298
Để doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành rường cột của nền kinh tế - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đóng góp nguồn lực, đồng hành với Chính phủ để sớm đưa vắc xin về Việt Nam, giúp đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Thực tiễn tại Mỹ và các nước phát triển châu Âu cho thấy, khi các quốc gia này đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng thì không chỉ người dân mà các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi bởi hoạt động sản xuất sớm khôi phục, kéo theo nền kinh tế cũng dần phục hồi sau cú sốc đại dịch.

Do đó, việc các doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ để nâng thêm nguồn lực mua vắc xin cũng giúp đạt được “mục tiêu kép” đó là đồng hành cùng Chính phủ lúc gian khó và cũng phần nào khôi phục nền kinh tế, giúp doanh nghiệp phát triển.

Trong số các doanh nghiệp đóng góp trên 1 triệu USD ủng hộ quỹ, bên cạnh những tập đoàn Nhà nước, chúng ta thấy được sự hưởng ứng mạnh mẽ của khối kinh tế ngoài Nhà nước khi hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân đã “phóng khoáng” chi từ vài chục cho đến hàng trăm tỉ đồng để mua vắc xin.

Đó là những doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu trong các lĩnh vực hàng không, ngân hàng, năng lượng, tiêu dùng, bất động sản... vốn đã có một chặng đường dài luôn mạnh tay ủng hộ các hoạt động vì an sinh xã hội của đất nước. Việc san sẻ lợi nhuận để tái đầu tư cho cộng đồng là vốn quý, song sẵn sàng chi hàng chục, hàng trăm tỉ đồng để đồng hành với đất nước trong bối cảnh kinh doanh khó khăn lại quý hơn vàng. 

Điều này cũng cho thấy tinh thần hướng về nguồn cội của các doanh nghiệp tư nhân Việt.

Lãnh đạo một doanh nghiệp từ TP.HCM vừa ra Hà Nội trao bảng tượng trưng và ngay lập tức chuyển khoản vào quy Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 kể rằng việc đóng góp vào quỹ là niềm tự hào của doanh nghiệp khi được đóng góp vào sự phát triển của đất nước. 

“Thông qua việc góp vắc xin vừa rồi, chúng ta thấy được tầm quan trọng của doanh nghiệp trong nước khi luôn đồng hành khi đất nước cần và doanh nghiệp luôn đặt lợi ích quốc gia, tình yêu đất nước lên trên hết trong triết lý kinh doanh của mình”, vị này nói.

Để doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành rường cột của nền kinh tế - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Quỹ vắc xin là quỹ của sự nhân ái, niềm tin, tinh thần đoàn kết. Trong ảnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tặng hoa cảm ơn các tấm lòng đóng góp cho Quỹ.

Theo Tổng cục Thống kê, trong số 2.164,5 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư xã hội năm 2020, có đến 972,2 nghìn tỉ đồng đến từ khối kinh tế ngoài nhà nước, trong khi khối FDI chỉ chiếm 463,3 nghìn tỉ đồng. Còn trong quý I năm nay, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 507,6 nghìn tỉ đồng, riêng khu vực ngoài nhà nước chiếm đến hơn 57%, khu vực Nhà nước chiếm 24% và khu vực FDI chỉ chiếm gần 19%.

Bên cạnh đó, các số liệu thống kê đều cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước và thu hút đến 85% lực lượng lao động cả nước. Những con số trên cho thấy kinh tế tư nhân đang ngày càng trở thành “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. 

Do đó, cần phải tiếp tục có những cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh hơn nữa để trở thành những con “sếu đầu đàn” của nền kinh trong nền kinh tế nội địa, nhất là trong giai đoạn hậu COVID-19.

Chủ tịch một tập đoàn đa ngành nghề tại TP.HCM cho biết trước đây rất ít doanh nghiệp nội có thể đầu tư cả trăm triệu USD, nhưng hiện nay quy mô và vị thế của doanh nghiệp Việt đã nâng tầm lên gấp bội, rất nhiều doanh nghiệp nội sẵn sàng đầu tư cả tỉ USD vào nền kinh tế với công nghệ và trí tuệ không thua kém khối FDI. Do đó, vị này cho rằng cần phải tạo một vị thế cạnh tranh công bằng với những cơ chế, chính sách công bằng, không để doanh nghiệp nội thiệt thòi, thậm chí là “thua ngay trên sân nhà”.

“Các doanh nghiệp FDI luôn tìm những bến đỗ hấp dẫn hơn, họ có thể đi khi một số lợi thế cạnh tranh của Việt Nam không còn. Ngay khi kinh tế suy thoái, họ thường co cụm, trở về chính quốc. Trong khi các doanh nghiệp nội có sống, có chết cũng phải ở trong nước, tạo ra giá trị cho quốc gia và tái đầu tư trong nước. Do đó, cần giúp doanh nghiệp Việt lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu của thế giới, ít nhất là ngay trên sân nhà", vị này khẳng định.

 Quỹ vắc xin là quỹ của sự nhân ái, niềm tin, tinh thần đoàn kếtThủ tướng Phạm Minh Chính: Quỹ vắc xin là quỹ của sự nhân ái, niềm tin, tinh thần đoàn kết

TTO - Việc thành lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 nhằm kêu gọi đồng bào chung tay đóng góp nguồn tiền để sớm có vắc xin phòng chống dịch COVID-19 có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nguồn bài viết