Để cửa khẩu là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Lạng Sơn

2 năm trước 266

Trước những cơ hội, thách thức phục hồi kinh tế sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề ra các giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế đến năm 2023 với các nhiệm vụ, giải pháp như: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Cùng đó, phát triển thị trường lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm…; trong đó, Lạng Sơn xác định việc phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh,

Chú thích ảnhPhương tiện chuẩn bị xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục phát huy tối đa lợi thế các cửa khẩu để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động thương mại, thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa; đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu như tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án Hạ tầng khu chế xuất 1, Khu trung chuyển hàng hóa (giai đoạn 1), Khu phi thuế quan và các dự án khác… triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thu phí không dùng tiền mặt tại các khu vực cửa khẩu để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, với quy mô kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh yếu; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách về xuất nhập khẩu, thông quan của phía Trung Quốc và các yếu tố khách quan khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động xuất nhập khẩu đã gặp nhiều khó khăn.
 
Hiện tại, hai bên chưa khôi phục hoạt động đầy đủ 12/12 cặp cửa khẩu nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thương phát triển kinh tế - xã hội. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng do việc tăng cường quản lý biên giới, quản lý thương mại của phía Trung Quốc.
 
Vì thế, tỉnh Lạng Sơn xác định cần tăng cường trao đổi, hội đàm từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh giữa Việt Nam và Trung Quốc một cách thiết thực, hiện quả hơn để tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo đà đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất hàng hóa trong nước.
 
Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn xác định chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 là bước đi quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nên trong năm 2021, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu có 50% hộ gia đình có cửa hàng số và thanh toán điện tử. Việc triển khai kinh tế số bước đầu đã có sự thành công, mang lại lợi ích cho các hộ gia đình, trước những khó khăn của dịch COVID-19.
 
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai thí điểm chuyển đổi số tổng thể và toàn diện Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu phụ Tân Thanh nên việc triển khai nền tảng cửa khẩu số nhằm quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại cửa khẩu. Nền tảng cửa khẩu số ứng dụng cho các cơ quan quản lý, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu phụ Tân Thanh (dự kiến sẽ mở rộng ứng dụng cho tất cả các cửa khẩu trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2021), với chức năng tự động hóa quy trình, giảm thiểu tác động của con người, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và hỗ trợ thời gian thông quan nhanh chóng.
 
Thời gian qua, Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã được quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần đáng kể cho phát triển, tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và của cả nước nói chung.
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lạng Sơn, thực tế hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Với phạm vi lớn, bao trùm của thành phố Lạng Sơn và một số xã, thị trấn của các huyện Cao Lộc, Chi Lăng, Văn Quan nên việc áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi là rất khó thực thi.
 
Trong khi nhiều khu vực cửa khẩu khác ngoài phạm vi khu kinh tế cửa khẩu cần được ưu tiên phát triển nhưng không được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã được lựa chọn là một trong những khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025.
 
Trước thực tế đó, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách đặc thù và tiếp  tục quan tâm, bố trí vốn, tạo điều kiện cho tỉnh Lạng Sơn triển khai hiệu quả, phù hợp hơn với điều kiện, khả năng và định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế cửa khẩu.
 
Các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư hạ tầng, cơ chế hoạt động của khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất, khu hợp tác kinh tế qua biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu thuộc các tỉnh biên giới Việt - Trung để thúc đẩy trao đổi thương mại Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN; cụ thể hóa thực hiện xây dựng tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).
 
Cùng với đó là việc hướng dẫn và thực hiện các thủ tục đấu nối, mở rộng tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; tổ chức hội đàm, thống nhất với Trung Quốc để bổ sung danh mục các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc; cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu khác của tỉnh Lang Sơn như: ̣Chi Ma (huyện Lộc Bình), Na Hình (huyện Văn Lãng), Bình Nghi (huyện Tràng Định),… góp phần tăng khả năng thông quan xuất khẩu nông sản của cả nước.

Nguồn bài viết