Nông dân TP Châu Đốc, An Giang cho cá tra ăn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, TS Võ Hùng Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho biết năm 2023 dự báo có rất nhiều thách thức, cần có những giải pháp mới để xuất khẩu cá tra không rơi vào suy thoái.
TS Võ Hùng Dũng cho biết:
- Vượt qua được mỗi cột mốc xuất khẩu là thêm một niềm vui, đó là sự khẳng định được vị thế để tính những cột mốc tiếp theo. Nhưng trước đây cứ mỗi lần xuất khẩu cá tra lập đỉnh mới thì mấy năm sau rất tiêu điều. Vì vậy sau cột mốc lần này chúng ta đừng có hào hứng quá. Vì điều đó có thể là một "cú hích" làm cho nhiều người nhảy vào nuôi, rồi lại dư thừa, thua lỗ, sau đó phải giảm sản lượng.
Trước đó, năm 2018 xuất khẩu cũng đạt kỷ lục khi lần đầu tiên vượt 2 tỉ USD nhưng sau khi xuất khẩu tăng vọt như vậy thì giá bán cá tra cao, thị trường phản ứng bằng giảm mua. Giai đoạn 2019 - 2021 tình hình đi xuống, trong nước giảm nuôi, giảm sản xuất, giá cá về mức thấp.
Năm 2022 xuất khẩu cá tra tăng kỷ lục do thị trường hồi phục tốt. Trước đó do dịch COVID-19 nên những nước nhập khẩu khó mua, Việt Nam thì khó bán, đến khi giải quyết vấn đề dịch COVID-19 ổn thì thị trường tăng mua, trong đó có Trung Quốc, các nước châu Âu, Mỹ.
* Liệu chu kỳ giảm sau kỷ lục có lặp lại vào năm 2023 không khi các doanh nghiệp cho biết hiện nay đơn hàng rất ít?
- Như tôi đã nói, thị trường vẫn chừng đó, nhưng khi giá cá cao lên, vượt qua ngưỡng tâm lý của họ thì không chấp nhận, giảm mua. Sau một thời gian khi thị trường về mức giá cả bình thường thì họ mua trở lại.
Quan sát chu kỳ lần này tôi thấy xuất khẩu 2022 tăng cao nhưng giá cá không quá cao như các chu kỳ trước.
Vì vậy tôi cho rằng năm 2023 có thể thị trường không đạt đỉnh như năm nay, nhưng cũng không giảm nghiêm trọng. Ảnh hưởng xung đột Nga với Ukraine là có, nhưng tôi tin rằng sau mùa đông năm nay thì xuất khẩu sẽ bình thường trở lại.
Ông Võ Hùng Dũng
* Vậy các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng cá tra cần làm gì để giữ vững thành tựu xuất khẩu của năm nay, thưa ông?
- Năm 2023 còn có yếu tố nữa có thể giúp xuất khẩu cá tra trụ vững là thị trường Trung Quốc khi COVID-19 ổn định, sức mua sẽ phục hồi. Nên dù thị trường châu Âu có giảm đi nữa nhưng Trung Quốc tăng mua trở lại cũng sẽ đỡ cho cá tra Việt Nam.
Nhưng với chu kỳ thành công lần này và dự báo những khó khăn đang ở phía trước. Mình đã nhìn được những bài học của mấy lần trước, hết chu kỳ thành công thì để cho rơi tự do, cũng hô hào xúc tiến nhưng hô hào chung, không có trọng điểm.
Bộ NN&PTNT hiện có tham tán thương mại ở một số nước trọng điểm cần nỗ lực nhiều hơn trong quảng bá, tiếp xúc hỗ trợ xuất khẩu cá tra. Bộ NN&PTNT cũng nên bàn với Bộ Công Thương để xúc tiến ở những thị trường quan trọng.
Đối với các doanh nghiệp, bản thân họ luôn chủ động làm rồi nhưng động viên họ thêm. Đối với sản xuất trong nước, đừng có hăng hái mà đào ao nuôi cá tràn lan, chúng ta đã có bài học rồi, đừng để điều đó xảy ra lần nữa.
Kế đến, lễ hội cá tra lần này là dịp để tôn vinh con cá, để cọ xát nhưng chất lượng và quản trị vùng nuôi cần phải đầu tư.
Đừng để phong trào như trước đây tiêu tan nguồn lực khi sản lượng tăng vọt nhưng con cá không chất lượng. Khi khách hàng phát hiện vài lô hàng cá không chất lượng thì đánh đồng luôn thị trường của mình làm giá rớt xuống.
Công nhân Tập đoàn Nam Việt (An Giang) làm cá tra cắt khúc và cá tra phi lê để xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU
* Lễ hội cá tra lần này tổ chức tại thành phố Hồng Ngự (Đồng Tháp) đúng vào dịp xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục, đây có phải là một động lực mới cho ngành cá tra trong thời gian tới?
- Năm 2019 tôi đề xuất tổ chức lễ hội tôn vinh con cá tra, lựa chọn "thủ phủ" của con cá này. Đề xuất này xuất phát từ hoạt động mà tôi nghiên cứu được ở các chuỗi ngành hàng ở châu Âu, Mỹ.
Ở đó lễ hội tôn vinh tạo ra văn hóa về ẩm thực và thực sự mà nói đó là một cách marketing tận gốc, làm cho chính người sản xuất quan tâm tới sản xuất nhờ vào việc khách hàng tới để đánh giá họ.
Vì vậy, rất mừng lần này Bộ NN&PTNT và Đồng Tháp đã bắt tay vào tổ chức lễ hội là dịp để khách hàng đến tham quan quy trình sản xuất của ta, các chủ hộ nuôi cá có dịp trao đổi trực tiếp với người mua để nhìn nhận lại hạn chế của mình, để sửa đổi đạt chuẩn thế giới.
Lễ hội cũng là dịp để các cơ quan truyền thông, cơ quan ngoại giao, cơ quan của các bộ ngành đến cùng chung tay tiếp sức cho người nuôi, doanh nghiệp thêm hiểu biết, gắn kết và tìm ra những giải pháp thiết thực làm tăng giá trị con cá tra, để cá tra viết thêm những kỷ lục trong thời gian tới.
Đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị ngành hàng
Ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), bày tỏ Lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022 là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại một bước tăng trưởng mới với trọng tâm tập trung vào giá trị gia tăng của con cá tra.
Việt Nam có gần 100 cơ sở chế biến cá tra, chủ yếu tập trung ở khu vực ĐBSCL với công nghệ chế biến đạt trình độ cao với những doanh nghiệp tên tuổi tầm cỡ thế giới.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận định sơ chế, chế biến là mắt xích quan trọng mà ngành hàng cá tra cần hoàn thiện sâu hơn trong thời gian tới.
Ông Trần Đình Luân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng để viết tiếp câu chuyện cá tra ở ĐBSCL có thể không cần mở rộng diện tích nữa mà tập trung vào ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng. Tập trung vào chế biến sâu, chế biến các món ăn, làm collagen, bột thịt chiên... tăng giá trị.
CHÍ TUỆ
* Ông Huỳnh Minh Tuấn (phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp):
Sẽ tổ chức định kỳ lễ hội cá tra
Lễ hội cá tra lần thứ 1 năm 2022 nhằm để cổ vũ, động viên, ghi nhận sự đóng góp tích cực của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế của địa phương và khu vực ĐBSCL.
Ngoài ra còn nhằm giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu cá tra Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng.
Đây cũng sẽ là sự kiện được tổ chức định kỳ ở địa phương. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi thông tin thị trường xuất khẩu, kết nối những thành tựu khoa học và ứng dụng công nghệ trong chuỗi ngành hàng và các hoạt động ký kết tiêu thụ.
* Ông Trần Anh Thư (phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang):
Không nên dừng lại ở lễ hội
An Giang có 250.000ha trồng lúa mang lại giá trị xuất khẩu 250 triệu USD thì 1.200ha nuôi cá tra mang lại giá trị xuất khẩu gấp đôi.
Đây là ngành hàng có lợi thế cạnh tranh, cả về lợi thế tài nguyên môi trường, đất, nước, cả về kinh tế thị trường.
Tôi cho rằng việc tổ chức lễ hội cá tra chỉ là bước khởi đầu, tiến tới thành lập hiệp hội ngành hàng cá tra.
Hằng năm, hiệp hội này giới thiệu về hội chợ tại nước ngoài; các hội thảo khoa học nói về ngành hàng cá tra và quảng bá sản phẩm đối với ngành hàng chủ lực này.
BỬU ĐẤU - ĐẶNG TUYẾT