Nhân viên Công ty Điện lực Quảng Trị kiểm tra hệ thống điện - Ảnh: NGỌC HIỂN
Bộ Công thương vừa công bố, lấy ý kiến góp ý về dự thảo đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, Bộ Công thương cho rằng các chính sách hiện hành về giá điện đảm bảo bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt.
Theo Bộ Công thương, nhiều nước trong khu vực đều đã và đang trong tiến trình cải tổ ngành điện. Giá điện minh bạch, rõ ràng theo từng khâu phát, truyền tải, phân phối và bán lẻ...
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đánh giá các nước và vùng lãnh thổ như Hong Kong và Hàn Quốc đã áp dụng biểu giá tính đến công suất sử dụng, số giờ sử dụng, cấp điện áp chi tiết và đây là một điểm mới và chưa có trong biểu giá bán lẻ điện Việt Nam.
Tại Việt Nam, biểu giá bán điện từ năm 2007 đến nay được phân theo các ngành, cấp điện áp, theo giờ cao - thấp điểm và biểu giá điện sinh hoạt được chia theo bậc thang.
Qua phân tích biểu giá điện hiện trạng của Việt Nam và một số nước trong khu vực, Bộ Công thương nhận định biểu giá điện của một số nước trong khu vực có nhiều điểm tiến bộ hơn biểu giá điện hiện trạng của Việt Nam.
Ví dụ như giá điện theo hai thành phần công suất và điện năng, giá điện điều chỉnh theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi, có hệ số giảm giá khi dùng ít điện, không bù chéo giữa các nhóm khách hàng lớn, chỉ trợ giá cho người già, tách bạch chi phí dịch vụ hỗ trợ thị trường, chi phí vận hành hệ thống và quản trị thị trường...
Do đó, Bộ Công thương cho rằng trong giai đoạn tới cần phải nghiên cứu hoàn thiện biểu giá bán lẻ điện Việt Nam. Tuy vậy, Bộ Công thương cũng nhận định trong bối cảnh hiện nay biểu giá điện bậc thang là hợp lý nhất, phù hợp với đặc điểm của sản xuất kinh doanh điện, thị trường điện và các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.
Với các tiêu chí về biểu giá bán lẻ điện bậc thang, Bộ Công thương cho rằng có tác dụng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, nhưng tiêu chí về biểu giá không quá phức tạp (ví dụ không quá nhiều bậc thang) và phải phù hợp với chính sách có liên quan của Nhà nước về sử dụng điện có thể kết hợp hỗ trợ các đối tượng chính sách, đối tượng đặc biệt như người già…
Đáng chú ý, Bộ Công thương đề xuất nghiên cứu xem xét xây dựng giá bậc thang 2 thành phần công suất và điện năng, xem xét thu phí cố định hằng tháng. Đặc biệt, điểm mới trong dự thảo này là Bộ Công thương đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi và xem xét hệ số giảm giá nếu sử dụng ít điện.
Dự án năng lượng tái tạo đăng ký quá lớn
Theo dự thảo, việc phân bổ chi tiết nguồn điện về các tỉnh, nhất là nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do số lượng dự án năng lượng tái tạo đã đăng ký tại mỗi tỉnh hiện nay quá lớn, có thể vượt quá quy mô từ các chương trình tối ưu. Hiện nay, các nguồn điện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam sẽ gây ra dư thừa điện lớn.
Nết tất cả các nguồn đăng ký đầu tư đều được phê duyệt thì tổng công suất nguồn điện toàn quốc sẽ đạt khoảng 220 GW (dư 162%) và năm 2045 là 150 GW (dư 47%).
Do vậy, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII - đến năm 2030 sẽ chỉ có một phần nguồn điện đăng ký được phê duyệt bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng. Lượng công suất nguồn còn lại có thể được xem xét phát triển trong giai đoạn 2031-2045.