Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Cần Thơ hiện có 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Môi trường EB (nhà máy EB) và khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng (lò đốt rác Đông Thắng) ở huyện Cờ Đỏ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Thương mại Minh Thông.
Nhà máy EB có công suất 400 tấn/ngày nhưng đang tiếp nhận tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình 525 tấn/ngày từ 5 quận, huyện của thành phố. Lò đốt rác Đông Thắng hiện có công suất 100 tấn/ngày nhưng đang tiếp nhận 120 tấn/ngày từ 4 quận, huyện của thành phố. Trong khi đó, đến hết năm 2025, lò đốt rác này sẽ ngừng hoạt động do hết thời gian quy định theo chủ trương đầu tư.
Như vậy, hai nhà máy xử lý rác ở Cần Thơ vẫn đang có lượng rác dôi dư nhất định vì lượng rác tiếp nhận cao hơn công suất.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố gần 118.000 tấn, tương đương trên 648 tấn/ngày. Nếu so với công suất của hai nhà máy trên, lượng rác dôi dư của Cần Thơ hiện nay khoảng 148 tấn/ngày.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, chất thải rắn sinh hoạt đang tồn đọng tại các bãi chôn lấp trên địa bàn khoảng 958.000 tấn. Cụ thể, tại bãi rác quận Ô Môn tồn hơn 36.000 tấn, bãi rác tại huyện Cờ Đỏ tồn 700.000 tấn, quận Thốt Nốt 60.000 tấn, bãi rác số 8 ở quận Cái Răng trên 162.000 tấn.
Từ thực trạng trên, để xử lý lượng rác chắn đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang đang thi công, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Thới Lai lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án xử lý chất thải rắn số 2 tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai.
Theo ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, đề xuất này dựa trên cơ sở quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và theo quyết định của UBND thành phố phê duyệt đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai công suất xử lý năm 2020 khoảng 750 tấn/ngày đêm, đến năm 2030 khoảng 1.000 tấn/ngày đêm.
Hiện, UBND huyện Thới Lai đang lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án để trình UBND thành phố phê duyệt. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư theo quy định - ông Phạm Nam Huân cho biết.
Liên quan đến đề xuất đầu tư khu xử lý chất thải rắn số 2 ở Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai, tháng 11/2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện đã ký công văn số 5721/UBND-XDĐT về việc thống nhất chủ trương thực hiện mời gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức xã hội hóa đối với 3 dự án gồm: Dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; Dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay của Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ (nhà máy EB) và Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ công suất 400 tấn/ngày đêm theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ.
UBND thành phố giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất danh mục xã hội hóa đối với các dự án nêu trên, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp. Chủ tịch UBND huyện Thới Lai tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu A và B của khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai với diện tích còn lại khoảng 15/35 ha để chủ động trong công tác mời gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn trong thời gian tới.
Cuối tháng 8/2024, UBND thành phố Cần Thơ đã tiếp đoàn làm việc của ông Farchad Kaviani, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn SUEZ (Pháp) và các thành viên đoàn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án xử lý cấp nước, nước thải và rác thải tại thành phố Cần Thơ.
Các dự án Cần Thơ kêu gọi đầu tư trong buổi làm việc này có dự án nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai. Nhà máy này dự kiến có quy mô 5 ha nằm trong Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thới Lai đã được quy hoạch với diện tích khoảng 60 ha.
UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu, nhà đầu tư phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản là công nghệ xử lý rác (sẽ xác định trong hồ sơ mời thầu) và giá dịch vụ xử lý. Sau khi dự án được thông qua và công bố mời thầu, nhà đầu tư có thể tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Bãi rác số 8 nằm ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, từng là nơi chứa rác chính của thành phố Cần Thơ. Dù đã ngưng hoạt động khoảng 23 năm nhưng lượng rác ở đây còn rất lớn. Hiện, bãi rác số 8 đang là một trong những trở ngại ảnh hưởng đến tiến độ triển khai tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, do tuyến đường phải đi qua một phần của bãi rác.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện một đơn vị đang đảm nhiệm xử lý rác cho thành phố Cần Thơ cho biết, công ty đã khảo sát thực tế bãi rác số 8 và nhận định hoàn toàn đủ khả năng xử lý số rác này.
Theo đơn vị này, rác ở bãi rác số 8 là rác cũ, thành phần bao gồm các chất hữu cơ đã phân hủy, mùn, nước rất nhiều. Rác khi đưa về trước tiên sẽ tiến hành sàng để phân loại, tách mùn đất ra, rác không phân hủy, túi ni lông còn lại sẽ được đem đi đốt. Khối lượng rác sau sàng ước tính chỉ còn khoảng 20%. Số mùn đất sẽ được công ty xử lý vi sinh ủ phân để làm nguyên liệu sản xuất phân bón, trồng cây…
Công ty này cho biết có đủ khả năng để giải phóng lượng rác ở bãi rác số 8, đảm bảo kịp thời bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được chia làm hai dự án thành phần, gồm: Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Đoạn qua Cần Thơ dài 0,6 km, tổng chiều dài tuyến nối hơn 9,2 km. Trong đó, đoạn từ Quốc lộ Nam Sông Hậu đến nút giao IC2 dài hơn 2,2 km, đoạn từ nút giao IC2 đến Quốc lộ 1A dài 7 km, bãi rác số 8 nằm ở đoạn giao với Quốc lộ 1A.