Điểm đáng chú ý, sau khi ghi nhận góp ý của các bộ ngành liên quan, Bộ LĐTBXH đã giảm mức đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng xuống còn 11%, thay vì mức đề xuất trước đó là 15%, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo Bộ LĐTBXH, lần gần nhất tăng lương hưu là năm 2019, từ đó tới nay (3 năm) chỉ số giá tiêu dùng tăng 10,3%, GDP bình quân tăng 5,5%/năm, tổng mức tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực tài chính cho phòng chống dịch, nên Bộ LĐTBXH đề xuất chỉ tăng lương hưu 11%.
Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp ý kiến của Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ LĐTBXH đề xuất lần điều chỉnh lương hưu và trợ cấp hàng tháng này chia thành 2 nhóm. Cụ thể, tăng 11% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng với người nhận lương hưu trước ngày 1/1/2022.
Với người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/1995, sau tăng thêm 11%, nếu mức lương, trợ cấp vẫn dưới 2,5 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm. Với người có lương hưu, trợ cấp từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ được tăng bù thêm 200.000 đồng/người/tháng; Với người có lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm để đạt mức 2,5 triệu đồng/tháng.
Dự kiến sẽ có khoảng 318.000 người thuộc diện điều chỉnh tăng bổ sung, kinh phí trong năm 2022 khoảng 573 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, thực hiện theo phương án trên, dự kiến sẽ có khoảng 868.000 người điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng do ngân sách nhà nước đảm bảo, với tổng kinh phí trong năm 2022 khoảng 4.625 tỷ đồng;
Có khoảng 2,13 triệu người điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả, với kinh phí tăng thêm trong năm 2022 khoảng 14.700 tỷ đồng.
Lần gần nhất Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng là ngày 1/7/2019 với mức tăng 7,19%. Trong năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa tăng lương hưu.