Nhiều gia đình phải sắp xếp lệch ca làm để có thời gian trông con nhỏ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Các trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ/năm được làm thêm từ trên 40 - 60 giờ/tháng từ ngày 1-4-2022.
Nhiều đề xuất vì người lao động
Theo hướng dẫn của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan này đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ cho người lao động, nhất là lao động có con dưới 6 tuổi; đề xuất bổ sung bữa ăn phụ, bữa ăn nhẹ cho người lao động sau khi tăng ca để phục hồi sức khỏe.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu công đoàn cơ sở nên thương lượng với doanh nghiệp về mức tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức tối thiểu này hoặc cao hơn mức doanh nghiệp đang chi trả để động viên, khuyến khích và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Công đoàn cơ sở chủ động đối thoại, thương lượng với doanh nghiệp để bữa ăn ca của công nhân lao động đủ chất, đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trường hợp thời gian làm thêm trong một ca lớn hơn 3 giờ thì ngoài quy định về thời gian nghỉ giữa ca, công đoàn cần đề nghị doanh nghiệp bố trí giải lao ít nhất 10 phút sau 90 phút làm việc thêm giờ, nhất là lao động làm ở dây chuyền sản xuất liên tục.
Theo một chuyên gia quan hệ lao động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất của công đoàn xuất phát từ đánh giá của các nhà khoa học, chuyên gia lao động về ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động khi tăng giờ làm thêm để công đoàn, người sử dụng lao động triển khai.
"Khi mình thực hiện nghị quyết tăng giờ làm thêm mà không quan tâm đến tâm lý của người lao động thì lợi bất cập hại, tăng nguy cơ tai nạn lao động, gây rủi ro cho chính doanh nghiệp. Công đoàn Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn dựa trên hướng dẫn để đặt vấn đề với doanh nghiệp để đối thoại, thương lượng, ký thành các bản thỏa ước - quy định pháp luật của công ty", vị này nói.
Công đoàn Việt Nam yêu cầu công đoàn cơ sở cần đề nghị doanh nghiệp tăng cường hệ thống thông gió, chiếu sáng, quạt mát song song với duy tu, bảo dưỡng các thiết bị, máy móc, công cụ để hạn chế tối đa tai nạn lao động - Ảnh: HÀ QUÂN
Mong được hỗ trợ tiền trông con
Là lao động có hai con nhỏ, chị Oanh, 31 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ học phí trường tư thục rất cao nhưng do phải đi làm về muộn, ông bà vướng việc làm nông dưới quê nên hai vợ chồng đành "trăm sự nhờ bà trông trẻ đầu xóm".
"Mình thường xuyên làm thêm giờ nên phải nhờ các bà trông trẻ với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/buổi. Thuê các bà thì không bị gò bó thời gian nhưng con không được học vẽ, hát như ở trường mầm non", chị Oanh trải lòng.
Còn chị Ngọc, công nhân sản xuất ở Đông Anh (Hà Nội), chia sẻ chị phải làm ca đêm nên cần tìm người trông trẻ theo giờ. Tuy nhiên, chị tham khảo thì giá trông trẻ buổi đêm "rất cao" từ 150.000 - 200.000 đồng vì đa phần các cô chỉ trông trẻ tới 10h tối, cầu luôn cao hơn cung nhiều lần.
Không chỉ vợ chồng chị Oanh, chị Ngọc, mà nhiều gia đình công nhân trẻ khác mong muốn gần khu công nghiệp có nhà trẻ, trường mầm non học phí thấp, trông trẻ đến tối muộn hoặc qua đêm với giá phải chăng theo nhu cầu của người lao động để họ yên tâm làm việc, sản xuất.
Thêm chế độ để 'giữ chân' người lao động
Theo bà Nguyễn Thủy, phó trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty Thống Nhất Hà Nội, công ty khuyến khích cán bộ nhân viên, người lao động làm thêm giờ, nhất là đặc thù của sản xuất xe đạp từ tháng 3 đến tháng 11 hằng năm.
Khi làm thêm giờ, công ty này quan tâm đến vấn đề ăn uống, sinh hoạt trong thời gian làm thêm giờ để đảm bảo sức khỏe và tái tạo sức lao động. Ngoài mức lương bình quân 9 triệu đồng/tháng, thợ tại các xưởng còn có mức hỗ trợ khác để trang trải cuộc sống và tăng tích lũy trước khi về già.
Còn chị Hà Thị Phương Anh, chủ tịch Công đoàn Công ty may Plummy, chia sẻ nhiều lao động không thể gửi con ở trường công lập vì khoảng 5h chiều trường đã đóng cửa. Tuy nhiên, công nhân thường xuyên phải tăng ca đến 6-7h tối để trang trải cuộc sống. Do đó, chị mong muốn doanh nghiệp có thêm chính sách hỗ trợ người lao động.