Đề xuất cấm kết hợp kinh doanh với nhà trọ, có khả thi?

5 tháng trước 61

Theo ông Trịnh Xuân An, theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ. Từ quan điểm của thành viên cơ quan thẩm tra, ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh: Việc rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh cần phải thực hiện nghiêm bởi đây là loại hình có rủi ro cao, có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức cuối giờ chiều 29/5, luật sư Nguyễn Thúy Quỳnh - Công ty Luật Phúc Khánh Hưng cho rằng: Việc đề xuất phương án cấm kết hợp kinh doanh với nhà trọ được xem là giải pháp tình thế nhằm hạn chế phần nào các rủi ro về cháy nổ. Tuy nhiên để áp dụng, việc triển khai đề xuất này trên thực tế là rất khó. 

“Xuất phát từ các quy định hiện hành, công dân được tự do lựa chọn kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Với từng ngành nghề cụ thể, người kinh doanh phải đáp ứng và tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật”, luật sư Nguyễn Thúy Quỳnh cho biết.

Theo ý kiến của một số luật sư, việc nhà ở cho thuê trọ kết hợp kinh doanh là hoạt động kinh doanh hợp pháp, tạo thu nhập và nơi ở cho nhiều người. Thực tế, trong các khu nhà thuê trọ thường tồn tại nhiều hộ kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ. Nhiều trường hợp việc kinh doanh tại các khu nhà trọ là kế sinh nhai của nhiều người. “Nếu việc kinh doanh không trái pháp luật - không thể vì xảy ra cháy nổ tại một số khu nhà trọ mà cấm toàn bộ hoạt động kinh doanh kết hợp với nhà trọ. Vấn đề quan trọng là phải quản lý, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn PCCC để phòng ngừa và hạn chế các thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố xảy ra”, đại diện Công ty Luật Phúc Khánh Hưng cho biết.

Chú thích ảnhTrong hơn 2.000 công trình dạng chung cư mini tại Hà Nội, hầu hết đều có vi phạm về trật tự xây dựng, như xây quá mật độ, sai thiết kế, vượt nhiều tầng so với giấy phép. Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức

Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định rất cụ thể về điều kiện an toàn về PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Do đó, để hạn chế xảy ra cháy nổ, ngoài việc tích cực tuyên truyền, tập huấn cho người dân các kỹ năng PCCC, các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường quản lý, rà soát, thanh tra kiểm tra đối với việc tuân thủ các quy định về PCCC của các nhà trọ, chung cư mini.

Việc kiểm tra, rà soát phải thực hiện thường xuyên. Công trình nào không đảm bảo các điều kiện theo quy định, lực lượng chức năng cần lập biên bản, đưa ra mốc thời hạn cụ thể để khắc phục. Trong trường hợp chủ nhà trọ hay chung cư mini không khắc phục, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm thông qua việc ra quyết định cấm hoặc tạm dừng kinh doanh.

“Trên thực tế, việc cấm kinh doanh kết hợp với nhà trọ là khó thực thi. Tuy nhiên, cần có các biện pháp nghiêm khắc để buộc các chủ cơ sở kinh doanh phải chấp hành, nghiêm túc tuân thủ các quy định về PCCC, tránh không để những tai nạn thương tâm đáng tiếc xảy ra”, luật sư Nguyễn Thúy Quỳnh đề xuất.

Đề cập tới vấn đề này, TS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Những nhà ở riêng lẻ kết hợp đa mục đích vừa ở vừa cho thuê, hiện pháp luật không cấm. Tuy nhiên, cùng với việc đảm bảo an toàn về PCCC, theo ông Đặng Văn Cường còn rất nhiều vấn đề đặt ra, trong đó quy định của pháp luật về việc đảm bảo an toàn cho các khu trọ, nhà trọ thấp tầng vẫn chưa được hoàn thiện.

“Những nhà thiết kế xây dựng từ rất lâu, quy định về PCCC có những thay đổi, có nhiều quy định về phòng cháy chữa cháy không còn phù hợp dẫn đến nhiều trường hợp khó xử lý, khó khắc phục và vấn đề an toàn về PCCC hiện vẫn là vấn đề bỏ ngỏ”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Nói cách khác, theo luật sư này, với những tòa nhà đã được xây dựng nhiều năm trước đây, hệ thống PCCC đã xuống cấp, vấn đề an toàn về phòng cháy cũng đáng báo động. Ngoài ra, những tòa nhà dưới 7 tầng do người dân tự xây dựng để ở, kết hợp với mục đích kinh doanh cho thuê trọ, quy định về PCCC còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn, có những cách hiểu khác nhau.

“Ngoài việc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy ở Trung Kính, Hà Nội vừa xảy ra vừa qua nhằm xử lý đối với các tổ chức cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng cũng cần ra soát các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, kiểm tra đánh giá hiện trạng thực tế về việc cho thuê phòng trọ, đặc biệt là những nhà ở riêng lẻ kết hợp với cho thuê trọ để có những quy định phù hợp với vấn đề đảm bảo an toàn PCCC”, TS Đặng Văn Cường kiến nghị.

Nguồn bài viết