Thuốc kháng virus Molnupiravir được người bán M.H. giới thiệu tại quán cà phê ở quận 10, TP.HCM - Ảnh: C.N
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được kê đơn thuốc kháng virus (như Molnupiravir) cho bệnh nhân COVID-19 có nguyện vọng tự chi trả.
Trong đó, người được kê đơn (tại quầy thuốc, nhà thuốc) cần có xác nhận từ cơ sở y tế (bao gồm cơ sở xét nghiệm, cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế) có dương tính với SARS-CoV-2, kể cả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh; hoặc người bệnh tự quay clip quá trình thực hiện test kháng thể tại nhà gửi cho người phụ trách chuyên môn của nhà thuốc, quầy thuốc để chứng minh kết quả test dương tính.
Hướng dẫn cũng đề xuất người phụ trách chuyên môn về dược tại cơ sở bán lẻ thuốc căn cứ vào kết quả xét nghiệm, xác định được ít nhất 1 nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân.
Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải ký một bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu, kèm bản sao chứng minh thư của người bệnh.
Bộ Y tế cũng xây dựng tờ hướng dẫn sử dụng để người bán thuốc hướng dẫn người mua, trong đó có các thông tin: đối tượng sử dụng, liều dùng, cách dùng, theo dõi sau khi dùng, cách xử trí khi gặp các phản ứng bất thường (không hiệu quả, tác dụng phụ…) cần báo cho cơ sở y tế.
Đồng thời cho biết sẽ áp dụng công nghệ thông tin phối hợp với Hệ thống cảnh giác dược quốc gia để nhà sản xuất, người bệnh, cán bộ y tế báo cáo các thông tin liên quan đến an toàn, hiệu quả của thuốc khi sử dụng và sau khi sử dụng để tiếp tục đánh giá an toàn, hiệu quả của thuốc sau khi được cấp phép lưu hành.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết đề xuất này chỉ áp dụng đối với thuốc kháng virus điều trị COVID-19 dùng đường uống và tại các địa bàn có tình hình dịch bệnh tăng cao, hệ thống cơ sở y tế quá tải, không thể thực hiện hiệu quả việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn cho người bệnh theo quy định.
Lý do là hình thức này có hạn chế, thuốc kháng virus điều trị COVID-19 là thuốc mới, cần phải có sự giám sát an toàn hiệu quả khi đưa ra sử dụng rộng rãi, quan trọng nhất là việc chỉ định sử dụng thuốc cho đối tượng nào, liều dùng cần có ý kiến của bác sĩ, y sĩ thông qua việc thăm khám theo quy định.
Trong khi việc cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được phép kê đơn có thể chưa được kiểm soát chặt chẽ và thận trọng dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng mục đích, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu 37 triệu viên Molnupiravir dùng cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và vừa, phục vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (tương đương 940.000 liệu trình điều trị).
Năng lực sản xuất của 3 nhà sản xuất Molnupiravir vừa được cấp phép hôm 17-2 là 11 triệu liệu trình điều trị/tháng (tương đương 280 triệu viên thuốc), trong khi nhu cầu theo tính toán của Cục Quản lý dược là khoảng 334.800 liệu trình điều trị/tháng.
"Như vậy sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu điều trị và giá thành 300.000 đồng/liệu trình điều trị là mức giá rẻ nhất trên thế giới" - Bộ Y tế cho biết.