Đằng sau thành công của vaccine Pfizer/BioNTech

3 năm trước 575
Chú thích ảnhVaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP

Theo tờ Straits Times, vào ngày 9/4/2020, Tập đoàn Dược phẩm khổng lồ Pfizer (Mỹ) và Công ty Công nghệ sinh học BioNTech (Đức) đã hợp lực phát triển vaccine phòng bệnh COVID-19, trong bối cảnh thế giới đang quay cuồng với đại dịch, số người chết tăng vọt và các quốc gia phải đóng cửa biên giới.

Hai công ty này đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng, đó là sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine vào năm 2021, một mốc thời gian vô cùng ngắn khi thông thường, phải mất nhiều năm để phát triển một loại vaccine và nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Chỉ 7 tháng sau, Pfizer/BioNTech đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng đầy hứa hẹn, cho thấy loại vaccine do họ phát triển có hiệu quả 90% với loại virus SARS-CoV-2 mới.

Pfizer/BioNTech đã đặt cược vào phương pháp mRNA chưa từng được sử dụng trên thực tế để chế tạo vaccine. Cho đến nay, họ đã chứng minh được thành công khi loại vaccine này đang chiếm lĩnh các chiến dịch tiêm chủng đại trà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, Pfizer/BioNTech đóng vai trò hàng đầu trong các chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu và Mỹ.

Hồi tháng 3, BioNTech thậm chí còn cam kết đảm bảo 2,5 tỷ liều vaccine trong năm nay, nhiều hơn 1/4 so với kế hoạch ban đầu.

Nhân viên làm việc cật lực

Chú thích ảnhNhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 27/2/2021. Ảnh: Ảnh: AFP/TTXVN

Thành công của vaccine đã giúp Pfizer/BioNTech vượt qua những nghi ngờ cho rằng các công ty này đã tận dụng việc tăng năng suất để kiếm lợi nhuận.

Tháng 11/2020, Giám đốc Điều hành Pfizer Albert Bourla đã khiến một số người lo ngại khi thu về hàng triệu USD từ việc bán cổ phiếu, ngay sau khi kết quả thử nghiệm vaccine lâm sàng khả quan, dù việc bán cổ phiếu đã được lên kế hoạch từ lâu.

Sau đó, vào tháng 1/2021, một cuộc tranh cãi khác lại nổ ra khi Pfizer thông báo lọ vaccine của họ chứa 6 liều thay vì 5 liều. Tại châu Âu và Mỹ, các chuyên gia y tế lo ngại họ không có đủ ống tiêm đăc biệt để lấy liều cuối cùng trong lọ. Song với nước cờ này, hãng dược phẩm đã tăng lượng giao hàng lên 20%.

Hai tháng sau, cuộc tranh cãi đã dần bị lãng quên. Giới chức y tế Pháp và Mỹ cho biết họ không gặp bất kỳ vấn đề nào trong việc bổ sung ống tiêm.

Ông Romain Comte, người điều hành một phòng tiêm chủng ở Paray-le-Monial, Pháp, cho biết: “Điều đó không phải là vấn đề. Bây giờ mọi thứ đã được làm sáng tỏ, chúng tôi thậm chí còn lấy được liều thứ bảy từ các lọ vaccine”.

Pfizer cũng đã thoát khỏi những khó khăn về lao động, dù nhân viên của họ phải chịu áp lực rất lớn, chẳng hạn như tại cơ sở sản xuất ở thị trấn Puurs của Bỉ.

“Ở các phân xưởng COVID-19, chúng tôi làm việc 24/7. Nhiều đồng nghiệp của tôi đang phải đối mặt với bệnh suy nhược thần kinh khi họ đã làm việc trong suốt một năm. Điều đó không thể tiếp diễn”, ông Patrick Coppens, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Bỉ ở Brussels, nói và cho biết thêm mức lương của nhân viên vẫn còn ở mức thấp.

Bất chấp sự bất mãn về tiền lương, liên đoàn lao động vẫn kêu gọi công nhân tại nhà máy Puurs không đình công bởi đại dịch vẫn hoành hành.

Giá đắt hơn, khó bảo quản hơn, nhưng ít bê bối hơn

Chú thích ảnhVaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các tài liệu do một quan chức Bỉ tiết lộ, Liên minh châu Âu (EU) đang trả 12 euro (320 nghìn đồng) cho mỗi liều vaccine Pfizer/BioNTech.

Mặc dù có giá rẻ hơn so với vaccine Moderna, nhưng Pfizer/BioNTech lại đắt hơn 10 euro (275 nghìn đồng) so với vaccine AstraZeneca/Oxford. Công ty AstraZeneca bán vaccine chưa tới 2 euro (55 nghìn đồng) và cam kết không thu lợi nhuận nếu đại dịch vẫn hoành hành.

Pfizer/BioNTech và Moderna cùng sử dụng công nghệ mRNA để chế tạo vaccine của họ. Tuy nhiên, vaccine của Pfizer lại có nhược điểm là cần bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, dù đã cố gắng chứng minh rằng vaccine của họ có thể được bảo quản 2 tuần ở nhiệt độ bớt khắc nghiệt hơn.  

“Pfizer và Moderna ý thức rằng họ chỉ có thể phân phối vaccine của mình ở các nước phát triển vì việc bảo quản và phân phối sẽ khá khó khăn”, ông  Adam Barker, chuyên gia y tế tại Công ty quản lý vốn Shore Capital có trụ sở tại London, cho biết.

Trong khi đó, vaccine AstraZeneca vaccine có giá rẻ hơn và dễ bảo quản hơn vì sử dụng công nghệ truyền thống vector virus.

Tuy vây, AstraZeneca đang phải chịu nhiều tai tiếng liên quan đến các ca máu đông hiếm gặp. Một số quốc gia đã ngừng sử dụng tiêm vaccine này cho người trẻ tuổi. Trong đó, Đan Mạch hôm 14/4 tuyên bố sẽ ngừng hoàn toàn việc triển khai tiêm loại vaccine này.

Chú thích ảnhCựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tiêm vaccine Pfizer/BioNTech hồi tháng 12/2020. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, AstraZeneca còn bị EU khiển trách vì chậm trễ trong việc giao hàng. Đầu năm nay, Pfizer cũng từng giao hàng chậm trễ, nhưng khi nhà máy ở Bỉ đẩy mạnh năng lực sản xuất, Pfizer đã khắc phục được sự cố này.

Ngoài ra, với hàng trăm triệu liều vaccine được sản xuất tại Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, nhiều chuyên gia tin rằng AstraZeneca có thể vượt qua Pfizer. Song khi các ca mắc mới trong nước tăng vọt, Ấn Độ đã phải ngừng xuất khẩu vaccine để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Pfizer/BioNTech đã tận dụng mọi khả năng để gia tăng sản xuất nhiều vaccine hơn, nhiều hơn cả Moderna vốn sử dụng mạng lưới nhà thầu phụ truyền thống.

Chuyên gia y tế Dan Mahony tại Quỹ Quản lý đầu tư Polar Capital (Anh) cho biết: "Nếu chúng ta có cuộc trò chuyện này vào một năm trước, tôi sẽ khuyên bạn nên thận trọng. Nhưng hiện tại, vaccine đã hoạt động tốt hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ".

Tháng trước, Pfizer cho biết vaccine ngừa COVID-19 của hãng đạt hiệu quả tới hơn 91% trong việc phòng ngừa COVID-19 và hơn 95% trong việc ngăn ngừa các diễn biến bệnh trầm trọng trong vòng 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2. Đây là kết quả thu được từ các cuộc thử nghiệm vaccine với sự tham gia của hơn 12.000 người. 

Hồi tháng 2, hãng dược phẩm của Mỹ cũng tiết lộ doanh số bán vaccine ngừa COVID-19 của họ có thể đạt tới 15 tỷ USD trong năm 2021, và sẽ tăng cao hơn nếu họ ký hợp đồng cung cấp bổ sung.

Nguồn bài viết