Thời gian qua, nhiều nhiều hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ thiết thực từ Việt Nam sang Lào được triển khai như: Kỹ thuật chế biến măng thương phẩm cho thị trường tại Lào; nghiên cứu chuyển giao công nghệ pin năng lượng mặt trời; chia sẻ kết quả thử nghiệm lâm sàng sản phẩm phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam…
Triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực
Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua, hai bên đã trao đổi, hợp tác nghiên cứu cũng như hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học của hai nước, tập trung đưa khoa học, công nghệ trở thành động lực, then chốt và trụ cột vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội…
Điển hình, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương Việt Nam – Lào, cũng như thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ giữa 2 nước, tháng 8/2021, đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác bằng hình thức trực tuyến giữa Trường Đại học Cửu Long (Việt Nam) và Vụ Công nghệ và Đổi mới (Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào). Theo Biên bản ký kết, hai bên thực hiện chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; báo cáo chuyên đề; các hoạt động về khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và truyền thông…
Ngoài ra, trên tinh thần Biên bản Khóa họp lần thứ 4 Ủy ban hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam – Lào, triển khai các nội dung đã ký kết trong Biên bản thỏa thuận (MOU) giữa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Lào (FOSTED, trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư “Hợp tác nghiên cứu hỗ trợ xây dựng văn bản quản lý và đào tạo nâng cao năng lực cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Lào”, năm 2021, do tình hình dịch COVID-19, hai bên đã tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến giữa hai đầu cầu Hà Nội và Viêng-chăn, trao đổi thông tin về tình hình triển khai chương trình tài trợ, hỗ trợ của FOSTED và Tập huấn cho cán bộ FOSTED về Thiết lập quy định quản lý và tổ chức thực hiện tài trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ…
Bà Keophayvanh Douangsavanh, Chánh Văn phòng Viện Khoa học Quốc gia Lào, Trưởng Ban thư ký FOSTED ghi nhận quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào và nhấn mạnh: Hai bên tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động trong nhiệm vụ Nghị định thư, tập trung xây dựng dự thảo văn bản quản lý tài trợ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho FOSTED.
Cũng từ Khóa họp lần thứ 4 Ủy ban hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam – Lào, hai bên đã đạt được một số kết quả nổi bật về hợp tác khao học và công nghệ, đồng thời, coi trọng và đánh giá cao hoạt động hợp tác nghiên cứu chung giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, giúp nâng cao năng lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ Lào, kết quả đạt được đã từng bước đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ để có thể chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu chung, hai bên cũng phối hợp để rà soát, cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm hành lang pháp lý cho phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Trong quá trình hợp tác, hai bên đã tổ chức “Diễn đàn kết nối cung cầu công nghệ Việt Nam – Lào”, đây là hoạt động thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp/viện/ trường và đạt kết quả ấn tượng khi tại Diễn đàn đã có nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết, hoạt động này cũng là tiền đề cho sự kết nối doanh nghiệp giữa hai nước thời gian tới.
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện
Thời gian qua, với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, giảm dần sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam có bước phát triển ấn tượng. Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam cũng liên tục tăng bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực. Đặc biệt, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng, năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế (so với thứ hạng 42 năm 2019 và năm 2020) sau khi WIPO đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Mặc dù Việt Nam giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra đổi mới sáng tạo ở thứ hạng 38 và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo khi tăng 2 bậc so với năm 2020…
Thông qua sự phát triển, tăng trưởng Việt Nam thời gian qua góp phần vào việc củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của hai bên trong việc triển khai các hoạt động hợp về khoa học và công nghệ. Ngoài ra, hai bên tiếp tục duy trì và tìm kiếm các cơ hội tăng cường hoạt động trao đổi đoàn các cấp để triển khai các Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các đơn vị chức năng hai Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Lào, tập trung vào: Quản lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ của 2 nước Việt Nam và Lào, hai bên đã khẳng định tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Bộ về mọi mặt, song song với hoạt động chuyên môn, hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể cũng được quan tâm thông qua các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng cường sự hiểu biết và gắn bó giữa các tổ chức đoàn thể của hai nước.
Chương trình hợp tác giữa hai Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Lào tập trung vào xây dựng cơ chế đầu mối thường xuyên trao đổi thông tin cần thiết liên quan đến hợp tác về công tác đảng và đoàn thể để chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, thành tựu của mỗi bên đạt được trong việc xây dựng hệ thống chính trị, bởi việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là nền tảng vững chắc để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của mỗi bên.