Giàn khoan dầu khí trên biển của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - Ảnh: PVN
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản lấy ý kiến về báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), làm cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định các đề nghị của tập đoàn.
Trước đó, báo cáo về hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như kiến nghị, PVN cho biết 7 tháng đầu năm, doanh thu tập đoàn đạt 547.700 tỉ đồng, nộp ngân sách 79.600 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế cũng vượt cao so với kế hoạch.
Tuy vậy, để tháo gỡ những khó khăn, PVN đã nêu ra 4 nhóm nội dung với 12 kiến nghị lớn, gồm những quy định liên quan tới sửa Luật Dầu khí, các quy định hướng dẫn về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Đặc biệt, để phù hợp với tình hình mới và thực hiện các mục tiêu chiến lược ngành dầu khí, PVN kiến nghị cho phép tham gia đầu tư điện gió ngoài khơi và sản xuất hydro xanh để tận dụng thế mạnh về nguồn lực cũng như cơ sở hạ tầng hiện có; cho phép PVN đầu tư quản lý hệ thống kho dự trữ quốc gia về nguyên liệu dầu thô và sản phẩm xăng dầu.
Đối với các nhà máy nhiệt điện đã đi vào vận hành và đang xây dựng, PVN kiến nghị thành lập chi nhánh phát điện dầu khí trực thuộc PVN để quản lý vận hành các nhà máy điện Sông Hậu 2, Thái Bình 2 và Long Phú 1, kịp thời tiếp cận khai thác các nhà máy này.
Với các dự án đầu tư lớn, PVN cũng cho biết hiện nay tiến độ triển khai chuỗi dự án khí - điện lô B - Ô Môn đang bị chậm rất nhiều so với kế hoạch, ảnh hưởng lớn hiệu quả dự án. Nên để thúc đẩy dự án sớm đưa vào triển khai theo đúng tiến độ dự kiến dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2025, PVN kiến nghị có quyết định về vấn đề bao tiêu khí, bao tiêu điện đối với chuỗi dự án khí - điện lô B.
Chấp thuận chủ trương thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ về chuỗi dự án khí - điện lô B để đảm bảo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tồn tại trong nhiều năm, đặc biệt vướng mắc về GGU và các thỏa thuận thương mại.
Với dự án điện Long Phú 1 cũng đang có nhiều vướng mắc, PVN kiến nghị cho phép lập lại tổng mức đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn tổng thầu EPC mới cho dự án, song song với quá trình đàm phán để giải quyết tranh chấp với tổng thầu PM trước đó.
Đối với dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai theo các thông số đã phê duyệt trước đây không còn hiệu quả, khả thi. Do đó, tập đoàn đề xuất các bộ ngành sớm xem xét, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Cũng liên quan tới đề xuất dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu Long Sơn, tập đoàn này đã có báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu cơ hội đầu tư, nên kiến nghị các bộ ngành xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở cho PVN triển khai các bước tiếp theo.
Nhắc đến chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, PVN cho biết hiện tiến độ triển khai dự kiến chậm sau năm 2025 do điều chỉnh chiến lược đầu tư của nhà thầu ExxonMobil và các vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Vì vậy, PVN kiến nghị Chính phủ thông qua công tác ngoại giao để có ý kiến với nhà thầu, tiếp tục tham gia và triển khai dự án theo tiến độ. Chấp thuận các hạng mục công trình dự án khi triển khai thực hiện sẽ áp dụng đồng bộ, thống nhất theo Luật Dầu khí sửa đổi và thông qua cơ chế bao tiêu toàn bộ lượng khí cam kết theo hợp đồng.